P.V: Hiện nay, chúng ta đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực… như thế nào để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dịp Tết Nguyên đán, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên, thuốc men, dịch truyền, phương tiện, máu... để khám, điều trị và cấp cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong việc cấp cứu và chữa trị cho bệnh nhân. Hiện tại, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra về việc thực hiện các nội dung chỉ đạo trong công tác chuẩn bị phục vụ Tết Canh Tý 2020.
P.V: Xin ông cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn bị ra sao?
Ông Đặng Ngọc Huy: Năm vừa qua, Thái Nguyên không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Riêng dịch sốt có xuất hiện vài trường hợp nhưng không bùng phát thành ổ dịch lớn và đã được khống chế kịp thời. Tuy vậy, chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì kiểm tra, giám sát, không để dịch bùng phát. Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế từ thành phố đến thị xã, các huyện, xã, phường, thị trấn bảo đảm trực cấp cứu 24/24 giờ với 4 cấp theo quy định: Lãnh đạo, lâm sàng, cận lâm sàng và bảo vệ, vận chuyển. Qua đó, sẵn sàng cấp cứu khi cần, trong đó lưu ý đến việc cấp cứu nạn nhân về tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm (nếu có).
P.V: Là tỉnh nằm khá gần biên giới Việt - Trung, ông đánh giá gì về nguy cơ phát bệnh viêm phổi cấp tính (do chủng virus corona) trên địa bàn Thái Nguyên?
Ông Đặng Ngọc Huy: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên khởi phát ngày 12/12/2019 tại T.P Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau đó lan nhanh với 59 bệnh nhân, 7 ca nặng, một người tử vong. Ngày 9-1, các nhà khoa học xác định tác nhân gây viêm phổi là chủng virus mới thuộc họ coronavirus (nCoV), một chủng mới chưa xác định trước đây ở người. Họ CoV gây các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người cũng như một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa Đông và đầu mùa Xuân. Ở người, virus corona gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERSCoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Cho đến nay, bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus corona đang diễn biến rất phức tạp ở Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng chưa ghi nhận ca bệnh tại nội địa nào, nhưng vẫn có nguy cơ cao lây truyền do nhu cầu giao lưu thương mại, du lịch với Trung Quốc. Do đó, chúng tôi cũng đã có phương án cụ thể nhằm đáp ứng phòng, chống bệnh nguy hiểm này với 3 tình huống diễn biến dịch bệnh. Cụ thể là: Khi chưa có dịch bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện. Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo, có kế hoạch phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp…
P.V: Theo ông, người dân nên phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này bằng cách nào?
Ông Đặng Ngọc Huy: Chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn ông!