Cập nhật: Thứ sáu 31/01/2020 - 14:40
Trụ sở UBND xã Kim Phượng những ngày đầu năm.
Trụ sở UBND xã Kim Phượng những ngày đầu năm.

Xã Kim Phượng (Định Hóa) được chia tách thành Kim sơn và Kim Phượng từ năm 1965. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 đơn vị này lại mới sáp nhập thành một từ ngày 01/01/2020, tạo nên một khí thế và động lực mới.

Đúng 7 giờ 30 phút sáng 30/01/2020, tất cả cán bộ, công chức và đại diện các gia đình của xã Kim Phượng đã có mặt đầy đủ tại trụ sở sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau những cái bắt tay thật chặt và lời chúc đầu năm, thay mặt các đồng chí lãnh đạo xã ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: Năm mới, địa giới hành chính cũng mới sẽ là động lực để địa phương tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, áp lực công việc chúng ta cần rất lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ cần phải nghiêm túc, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Trước mắt, tập trung xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chuẩn bị đại hội chi bộ cơ sở và giải quyết ngay cho người dân những vướng mắc về thủ tục hành chính sau khi thay đổi tên xóm, tên xã.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch HĐND xã Kim Phượng thông tin với chúng tôi: Sau khi sáp nhập, diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Kim Phượng mới là 22,8km2, quy mô dân số gần 5.000 người. Các xóm trực thuộc không đảm bảo quy mô diện tích và số hộ cũng được sáp nhập, giảm từ 25 xuống còn 14 xóm. 

Ngay sau khi công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND xã Kim Phượng đã họp để kiện toàn và bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND; đội ngũ cán bộ, công chức cũng được sắp xếp phù hợp và bắt tay ngay vào công việc. Ông Triệu Thanh Tuấn, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Kim Phượng cho biết: Đã quen biết và từng phối hợp làm việc với nhau từ trước nên chúng tôi triển khai công việc rất thuận lợi. Để tạo không khí làm việc thoải mái, những người đang làm ở trụ sở hiện tại có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ mới về nhanh tiếp cận với môi trường mới. Do người dân chưa nắm rõ một số chính sách, chế độ, nhất là các thủ tục hành chính nên UBND xã vẫn duy trì một số bộ phận làm việc tại trụ sở cũ, nhất là cán bộ địa chính và tư pháp để giải quyết công việc cho bà con.

Đánh giá sau 1 một tháng thực hiện sáp nhập, ông Sầm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho rằng: Đảng bộ, chính quyền xã Kim Phượng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Định Hóa, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ. UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung giải quyết các thủ tục hành chính, điều chỉnh các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan. Thuận lợi rất lớn là người dân địa phương rất ủng hộ chủ trương với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập cũng phát sinh một số vướng mắc cần có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của cấp trên cũng như nỗ lực cùng giải quyết của cả hệ thống chính trị.

Vướng mắc đầu tiên là tình trạng “một chốn đôi nơi” như: Cán bộ chủ chốt, lực lượng công an chính quy vẫn phải phân công trực cả ở trụ sở xã mới và cũ. Với khoảng cách giữa hai nơi là gần 6km nên khó cho công tác phối hợp và giải quyết công việc. “Địa phương mong muốn có hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên về việc thống nhất lựa chọn trụ sở làm việc. Đồng thời, cần sớm khởi công tuyến đường nối từ trung tâm xã Kim Sơn cũ sang Kim Phượng để người dân đi lại thuận tiện, nhất là khi Trạm Y tế của xã Kim Sơn cũ đã dừng hoạt động, bà con phải đến Trạm Y tế xã Kim Phượng khám, chữa bệnh”. - Ông Bách nói.

Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã Kim Phượng nêu thêm một vướng mắc của địa phương là điều kiện kinh tế - xã hội cuả 2 xã trước đây có sự chênh lệch khá lớn.  Xã Kim Phượng cũ đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Trong khi xã Kim Sơn khi chưa sáp nhập mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí. “Khi hợp làm một, chúng tôi băn khoăn trong việc xác định, đánh các tiêu chí nông thôn mới nào đã đạt, tiêu chí nào chưa đạt để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; việc tiếp nhận các nguồn lực và phân bổ đầu tư cho các xóm”. - Ông Năm bày tỏ.

Giải đáp những điều nêu trên, ông Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa khẳng định: Huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao, ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi của người dân; giao các phòng chuyên môn phối hợp, cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đảm bảo bộ máy chính quyền cơ sở hoạt động liên tục, hiệu quả…

Nhị Hà