Cập nhật: Thứ sáu 07/02/2020 - 09:44
Anh Lường Văn Quý, ở xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) phun thuốc khử trùng tiêu độc xung quanh trang trại gà của gia đình 3 lần/tuần để hạn chế mầm bệnh.
Anh Lường Văn Quý, ở xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) phun thuốc khử trùng tiêu độc xung quanh trang trại gà của gia đình 3 lần/tuần để hạn chế mầm bệnh.

Hiện là thời điểm giao mùa, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao, sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm giảm, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đến thực tế tại trại chăn nuôi gà của gia đình anh Lường Văn Quý, ở xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) vào một ngày trời rét đậm, chúng tôi quan sát thấy bên ngoài chuồng đã được che bạt kín xung quanh. Bên trong trang trại luôn có bếp than sưởi ấm cho gà. Trao đổi với chúng tôi, anh Quý chia sẻ: Nhà tôi nuôi hơn 3 nghìn con gà lông trắng. Để đảm bảo đàn gà có sức đề kháng tốt và nhanh lớn, nhà tôi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh như: Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm… Ngoài ra, gia đình tôi cũng phun khử trùng, tiêu độc trang trại 3 lần/tuần. Trước khi ra, vào chuồng trại, chúng tôi lội qua nước khử trùng, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ. Do làm tốt công tác phòng bệnh nên nhiều năm nay, nhà tôi chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gà.

Không chỉ riêng gia đình anh Quý mà nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh cũng luôn quan tâm theo dõi tình hình thời tiết cũng như dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về kinh tế. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cụ thể như, tại phường Bắc Sơn và xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã có tình trạng trâu ốm, chết do mắc bệnh tụ huyết trùng. Nguyên nhân là do người dân nuôi theo hình thức chăn thả tự do trên rừng, trâu không được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, khi phát hiện trâu mắc bệnh, người dân không báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương để chữa trị. Ngay sau khi có dịch bệnh xảy ra, UBND T.X Phổ Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường tăng cường công tác giám sát bệnh tụ huyết trùng trâu bò nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nhằm hạn chế lây lan. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh cũng như cách phòng, chống và điều trị bệnh; nghiêm cấm người dân không thả rông trâu, bò trên rừng và bãi chăn chung trong thời gian có dịch. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò khỏe mạnh và khử trùng tiêu độc chuồng trại. 

Còn tại huyện Phú Lương, cuối năm 2019, tại xóm Đá Mài, xã Yên Đổ cũng có một số con bò của 2 hộ dân trong xóm có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng. Để ngăn chặn dịch bện lây lan, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo tổ mạng lưới thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc. Riêng đối với xã Yên Đổ đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng bao vây ổ dịch; tiến hành tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc tại các vùng có ổ dịch cũ, các trang trại, hộ chăn nuôi. Các địa phương khác trong huyện cũng tuyên truyền tới người dân cách chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhằm kịp thời xử lý ổ dịch, tránh lây lan.

Trong những ngày trời rét đậm, ngoài việc che chắn chuồng trại, bà con nên cho gà ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Trong ảnh: Một hộ dân xóm Đồng Đậu, xã Tân Khánh (Phú Bình) chăm sóc đàn gà của gia đình.

Toàn tỉnh hiện có 774 trang trại (409 trang trại lợn và 365 trang trại gia cầm) chăn nuôi tập trung, trong đó có 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật; 32 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và 56 trang trại an toàn dịch bệnh. Hầu hết các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường. Nhờ vậy, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Chi cục đã có văn bản đề nghị các huyện, thành, thị trong tỉnh rà soát, thống kê, đăng ký số lượng vắc-xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là các bệnh: Lở mồm long móng trên đàn gia súc; tụ huyết trùng trâu bò; cúm trên đàn gia cầm... Cùng với đó, phát động tháng khử trùng tiêu độc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh là rất cao. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định cơ bản trong phòng, chống dịch bệnh, đó là: Tiêm vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; tuyệt đối không giấu dịch; không mua bán động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh; không thả rông động vật; không tự ý vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường…

Lương Hạnh