Cập nhật: Thứ sáu 07/02/2020 - 10:40
Nhà văn hóa xóm Mỹ Hòa được xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Nhà văn hóa xóm Mỹ Hòa được xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

“Chưa có thời điểm nào phong trào hiến đất xây dựng nhà văn hóa ở xã Cây Thị lại diễn ra mạnh mẽ như năm vừa qua, ngoài các khoản đóng góp, đối ứng bằng tiền, hơn 20 gia đình trên địa bàn xã đã hiến gần 8.000m2 đất để xây mới 5 nhà văn hóa xóm. Đến nay, 7/7 xóm của xã Cây Thị đều có nhà văn hóa rộng rãi, khang trang, đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt chung của nhân dân trong xã…”

Đó là những chia sẻ của ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị (Đồng Hỷ) về phong trào hiến đất xây dựng nhà văn hóa ở địa phương này. Theo ông Nhất cho biết, xã Cây Thị vốn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, việc xây nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới nếu không có sự cố gắng, đồng lòng của bà con thì rất khó hoàn thành. Để có được những kết quả như bây giờ, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó ưu tiên tổ chức những buổi họp xóm có đại diện lãnh đạo UBND xã đến dự, trực tiếp thảo luận, bàn bạc nhằm giúp người dân hiểu được việc xây dựng nhà văn hóa trước hết cần phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết và nỗ lực của mọi người. Thời buổi “tấc đất” như “tấc vàng”, để vận động người dân hiến hàng trăm, hàng nghìn m2 đất không dễ, nhưng với quyết tâm xây dựng nhà văn hóa, các thành viên của tổ dân vận ở các xóm luôn cố gắng kiên trì, tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp kinh phí đối ứng, nhờ đó, xã Cây Thị đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đa số mọi người đều nhất trí, nhà ai có diện tích đất nằm trong quy hoạch làm nhà văn hóa xóm thì hiến đất. Người dân cảm thấy phấn khởi vì mình có một phần đóng góp vào công trình chung của xóm.

Chúng tôi đến xóm Mỹ Hòa là một trong những xóm làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất, trong năm 2019, xóm đã vận động 7 hộ dân hiến gần 4.000m2 đất để làm Nhà văn hóa mới có sức chứa trên 200 chỗ ngồi và mở rộng khuôn viên ở khu vực này để xây dựng sân khấu ngoài trời, sân chơi các môn thể thao. Ông Phạm Văn Khôi, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Toàn xóm có hơn 250 hộ với gần 1.000 khẩu, tuy xóm đông dân cư nhưng Nhà văn hóa cũ của xóm lại rất nhỏ, mỗi lần họp xóm, người dân thường phải xếp ghế ra cả ngoài cửa để ngồi, do đó, việc nắm bắt nội dung buổi họp của người dân có lúc chưa được đầy đủ. Việc xây dựng được Nhà văn hóa mới là mong muốn của tất cả người dân trong xóm nên khi đưa chủ trương này ra trước dân, đa số các hộ đều đồng tình hưởng ứng. Có một số hộ được đề nghị hiến đất lúc đầu còn đắn đo nhưng sau khi được cán bộ xóm kiên trì tuyên truyền, giải thích những thuận lợi khi công trình hoàn thành đều đã đồng ý hy sinh lợi ích riêng để đóng góp một phần diện tích đất cho xóm. 

Bà Nguyễn Thị Điều có diện tích đất hiến nhiều nhất (gần 1.800m2 đất trồng chè, cấy lúa) ở xóm Mỹ Hòa cho biết: Nếu giữ lại diện tích đất trên, mỗi năm, gia đình tôi cũng có thêm một khoản thu nhập để phát triển kinh tế gia đình, nhưng điều quan trọng hơn mà tôi nhận thấy là việc hiến đất cho xóm cũng là cách để đóng góp xây dựng quê hương. Tôi nghĩ mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới nói chung và các tiêu chí nhỏ nói riêng vì mục đích cuối cùng cũng là phục vụ cho nhân dân, giúp cho mọi người có đời sống tốt hơn. 

Còn ở xóm Trại Cau, phong trào hiến đất xây Nhà văn hóa cũng sôi nổi không kém xóm Mỹ Hòa. Ông Lại Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Phong trào hiến đất để xây dựng và mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa đã lan tỏa rộng khắp và được bà con trong xóm hưởng ứng rất nhiệt tình khi có chủ trương. Nhờ vậy, xóm đã khánh thành được Nhà văn hóa mới đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Tại công trình này, các hộ dân trong xóm đã hiến gần 2.000m2 đất để mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xóm tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân nhân dịp năm mới.

Với những kết quả trên của xã Cây Thị, chúng tôi nhận thấy sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như trong quá trình tuyên truyền, vận động chính là yếu tố quan trọng để làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân. Vì thế, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến một phần đất mà không hề toan tính thiệt hơn. Từ sự đồng thuận ấy mà các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã đã từng bước được hoàn thiện, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới ở Cây Thị. 

Quỳnh Trang