Tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ thông tin tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Theo đó, 100% các bộ, ngành, địa phương và văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở cả 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ khi Thủ tướng Chính phủ khai trương (12-3-2019) tính đến ngày 4-2 đã có gần 1,25 triệu văn bản gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có trên 41.590 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 12,7 triệu lượt truy cập, và trên 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái.
Các đại biểu cũng được giới thiệu về Đề án Xây dựng Hệ thống báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương; chuẩn hóa quy định về chế độ báo cáo phục vụ xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Mai Tiến Dũng khẳng định, theo kế hoạch, tháng 3-2020, sẽ khai trương Trung tâm báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương có dịch vụ công dự kiến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý I-2020 cần chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; các bộ, ngành địa phương chưa ban hành thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo cần khẩn trương rà soát để chuẩn hóa các chế độ báo cáo hiện nay. Trong quá trình triển khai, có vướng mắc thì xin ý kiến Văn phòng Chính phủ để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chính phủ điện tử, tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.