P.V: Trước tiên, xin ông cho biết một số thông tin khái quát về Nghị định 15 vừa mới được ban hành?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Nghị định số 174/2013/NĐ-CP đã có những quy định khá cụ thể về hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường viễn thông. Tuy nhiên, dù đã có những quy định như vậy nhưng tình trạng dùng mạng xã hội, trang thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân để đăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội chưa giảm. Lần này, Nghị định 15 ra đời với 124 điều thay thế Nghị định 174 có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 sẽ là liều thuốc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đủ sức làm "sạch" không gian mạng. Cụ thể, nghị định mới của Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử.
P.V: Trước thực trạng tin giả, xuyên tạc, vu khống... tương đối phổ biến trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận hiện nay, Nghị định 15 đã có quy định thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Đây là một điểm mới rất đáng chú ý của Nghị định 15. Cụ thể, tại điều 101 của Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, tịch thu. Ngoài phạt tiền, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
P.V: Nhiều người băn khoăn, trường hợp tài khoản cá nhân trên mạng xã hội bị lấy cắp và sử dụng để tung tin giả, sai sự thật thì có bị chịu trách nhiệm không, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Theo các quy định hiện hành, khi phát hiện tài khoản mạng xã hội bị trộm hoặc có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần thông báo cho cơ quan công an. Trong đó cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm bằng chứng chứng minh tài khoản cá nhân trên mạng xã hội bị lấy cắp và sử dụng để tung tin giả, sai sự thật làm chứng cứ. Nghị định 15 cũng nêu rõ, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm, việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà chưa được sự đồng ý hoặc sai mục đích (còn gọi là bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, truy nhập, sử dụng trái phép thông tin tài khoản của người khác) cũng bị xử lý vi phạm hành chính. Mức xử phạt lên đến 20 triệu đồng. Cùng với đó, việc xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin, ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng và làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác đều sẽ bị xử lý.
P.V: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có một số trường hợp bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, trong đó có vấn đề rất nóng hiện nay là thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây nên. Ông có lời khuyên gì với người dùng mạng xã hội, nhất là khi Nghị định 15 sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Hiện nay, có nhiều người còn khá mơ hồ và thiếu kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội. Không ít trường hợp cho rằng với tài khoản cá nhân thì có quyền đăng tải mọi thông tin, thậm chí cả thông tin sai sự thật hoặc chia sẻ nội dung không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý hoặc phục vụ bán hàng. Giữa dòng thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, tôi thật sự bất bình về nạn tung tin giả về dịch bệnh này. Theo thông tin chúng tôi nắm bắt được thì đến nay cả nước có 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã bị triệu tập, xử lý, thông tin sai bị đề nghị gỡ bỏ. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã kịp thời phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, chính quyền T.P Sông Công làm rõ hai đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh Corona trên mạng xã hội và đã xử phạt nghiêm khắc với hành vi vi phạm của hai đối tượng này. Thời gian tới, tôi hy vọng rằng, Nghị định mới cùng với Luật An ninh mạng sẽ góp phần giúp ngăn ngừa hiệu quả thông tin sai sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và của chính người dân. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức, tìm hiểu rõ và cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng xã hội, nhất là các nội dung có liên quan đến dịch bệnh hoặc ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác. Ngoài ra, mỗi người cũng cần ý thức trách nhiệm và vai trò của mình trong việc lan truyền một thông tin nào đó, nhất là mỗi khi chia sẻ thông tin từ các trang mạng xã hội khác.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị định 15, bên cạnh hình thức cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như: Tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng... |