Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đội ngũ DN, doanh nhân không ngừng lớn mạnh về cả lượng và chất. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng DN trên địa bàn tỉnh đã tăng bình quân từ 15 - 20% mỗi năm. Năm 2019, toàn tỉnh có 139 DN tạm ngừng hoạt động đã hoạt động trở lại, đồng thời cấp đăng ký kinh doanh mới cho trên 600 DN, tăng 2,5% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ; nâng tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên gần 7.000 DN với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 87.200 tỷ đồng. Quy mô sản xuất của các DN cũng tăng nhanh, nguồn vốn bình quân của DN trong tỉnh đạt trên 100 tỷ đồng (cao gấp 7 lần so với giai đoạn 2005 - 2010). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều DN có quy mô doanh thu đạt con số 20.000 tỷ đồng, DN FDI đạt doanh thu gần 600.000 tỷ đồng, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho trên 50 vạn lao động trong, ngoài tỉnh. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tới 35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Điều này chứng minh cho sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và sự bứt phá sau đầu tư của từng DN.
Dự án xây dựng Nhà máy KHVatec Hanoi chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Điềm Thụy là một trong những minh chứng điển hình. Ông Kim Do Kyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH KHVatec Hanoi bày tỏ: “Ngay từ khi triển khai dự án, KHVatec đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, nhờ đó chúng tôi đã hoàn thành dự án sớm hơn so với kế hoạch. Hiện nhà máy có quy mô 102 triệu sản phẩm/năm, đã thu hút hơn 2.000 lao động và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho địa phương”. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn “xắn tay áo” chung sức giải quyết các vướng mắc giúp các nhà đầu tư; đồng thời tăng cường tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, giúp các DN mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2019, một số sở, ngành của tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại với cộng đồng DN để giải quyết tháo gỡ khó khăn. Sau các hội nghị đối thoại này, có rất nhiều nội dung DN thắc mắc, kiến nghị được giải quyết kịp thời. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng được nhiều DN quan tâm. Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải chia sẻ: Từ trước đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được cho là 1 trong những điểm nghẽn trong quá trình triển khai các dự án. Nhưng từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã giao cho các địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã giúp “khơi thông” nhiều dự án. Đây là điểm mới, thể hiện quyết tâm và sự đồng hành của chính quyền cùng sự phát triển của DN. Còn ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Ghi nhận phản ánh từ phía các DN cho thấy, điều mà họ tâm đắc nhất là sự thân thiện, đồng hành của chính quyền địa phương đối với DN. Đơn cử một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn như việc công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo các cấp tạo điều kiện cho người dân và DN có thể dễ dàng tiếp cận đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ của chính quyền với DN và công dân.
Sản xuất ống nhựa tiêu chuẩn châu Âu tại Công ty TNHH Nhựa Châu Âu Xanh Europipe (T.X Phổ Yên).
Cùng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, nhiều DN của tỉnh tiếp tục có những đột phá trong chiến lược phát triển, không ngừng mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động. Trong đó, Công ty CP Thương mại Thái Hưng là một trong những DN của tỉnh ghi dấu ấn với các dự án đầu tư lớn về lĩnh vực đô thị và giáo dục. Trong đó, dự án Trường phổ thông liên cấp Iris chính thức đi vào hoạt động mang lại môi trường học tập chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học - THCS - THPT Icoschool tại T.P Thái Nguyên do Công ty CP Quốc tế Ico làm chủ đầu tư cũng đang được triển khai tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao kết hợp trồng cây lâu năm và sản xuất phân vi sinh tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ do Công ty TNHH Một thành viên Trọng Khôi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng được đánh giá là dự án nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng bền vững cho ngành nông nghiệp của địa phương. Trên lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển, Công ty CP Tài nguyên Masan đã liên tục đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư các dây truyền sản xuất hiện đại chế biến 4 dòng sản phẩm trên một thân quặng. Nhờ đó không chỉ tối đa hóa tỷ lệ thu hồi khoáng sản mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa giá trị nguồn tài nguyên. Công ty đã vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giấy chứng nhận DN công nghệ cao, ghi nhận những nỗ lực áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu suất trong sản xuất kinh doanh của DN…