Thuật ngữ “trường học kết nối” được biết đến là hệ thống hỗ trợ tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo qua mạng thông tin trực tuyến, nhưng đa số mới chỉ được đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên đại học khai thác, sử dụng ở góc độ tham khảo, truy cập nguồn học liệu… Nhưng trong những ngày các trường học phải nghỉ học, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Đồng Quang đã xây dựng phương án dạy và học trực tuyến trên không gian mạng qua phương tiện Zalo, Facebook, Email. Với toàn bộ giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm kết nối với giáo viên bộ môn để thực hiện việc quản lý học sinh, đồng thời tham gia đánh giá, phân loại năng lực học tập của học sinh. Nhưng với giáo viên bộ môn thì công việc chấm điểm, nhận xét từng học sinh, hoặc tương tác với học sinh, phụ huynh sẽ mất nhiều thời gian hơn khi không thể tập trung các em để giảng bài. Xuất phát từ thực tế này, cô giáo Ngô Thị Minh, sau nhiều khóa làm việc theo nhóm trong Dự án phát triển năng lực tiếng Anh cho học sinh tại các nước Mỹ, Ô-xtrây-li-a… đã đưa ra phương pháp mới dựa trên công cụ Google Drive hỗ trợ lập biểu.
Cô Minh cho biết: “Sau khi giáo viên các môn xây dựng hệ thống các câu hỏi, lập biểu và chuyển đến từng học sinh, đồng thời giao thời gian làm bài, thời gian kết thúc nhận bài, giáo viên chỉ việc nhập kết quả đó đưa vảo biểu Excel là cho kết quả bàil àm của học sinh. Ứng dụng này cũng có thể giúp xây dựng báo cáo của mỗi cá nhân trong tổ bộ môn, nhà trường và rộng hơn…Qua đó bộ phận quản lý cập nhật ngay được kết quả nhân viên, cộng sự làm việc như thế nào”.
Cô giáo Nguyễn Thị Soi, Hiệu Trưởng Nhà trường chia sẻ: “Thực tế không phải học sinh nào cũng có điều kiện và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ thông tin, nhất là học sinh tiểu học. Nhưng phụ huynh sẽ đảm nhận công việc giám sát, giúp các em sử dụng thiết bị. Chính cách làm này khiến các em rất hào hứng học tập và rất tự giác, đồng thời tăng thêm vai trò gắn kết trách nhiệm gia đình với nhà trường trong việc dạy các em. Những ngày đầu nghỉ học, Trường thực hiện giao bài tập trên Zalo, Facebook, Email của phụ huynh, nhưng sau đó xuất hiện nhiều tình huống bất tiện. Đó là giáo viên phải mở cả thư trên Email của từng em về kết quả làm bài tập, rồi trả lời, nhận xét từng thư… rất dễ nhầm lẫn, chưa kể nhiều cô giáo phải “canh” không rời điện thoại, máy tính từ tối đến khuya. Sau hai ngày đầu thực hiện giao bài tập và dạy học trực tuyến, các giáo viên tổng hợp đã nhận được trên 10 nghìn lượt tương tác, chat… Chính vì vậy cách làm sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên trẻ đã giảm rất nhiều áp lực cho đội ngũ giáo viên các môn”.
Chị Đỗ Phương Dung, trú tại tổ 5 phường Đồng Quang có con học lớp 3B cho biết thêm: “Ngày thường nhắc cháu tập viết, cả ngày có khi chỉ được 3 dòng, nhưng qua cách giao bài này, các con tự giác hơn nhiều. Thậm chí gần 12h trưa, 7h30' tối đã nhắc bố, mẹ mở điện thoại, máy tính nhận thư, bài tập của cô giáo giao cho và tranh thủ làm luôn để hoàn thành sớm, được biểu dương trên trang nhóm lớp. Qua cách giao bài này, chúng tôi cũng biết được con mình học được những gì, học thế nào và năng lực đến đâu, cần giúp đỡ các cháu cái gì. Và hơn nữa là phụ huynh thấy được thực chất con mình, từ đó trách nhiệm hơn trong việc giáo dục các con”.
Với cách làm sáng tạo qua thực tế những ngày nghỉ, mỗi trường đều có những cách vận dụng phù hợp. Những kinh nghiệm đó chính là những giải pháp hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường trong thời gian tới.