Cập nhật: Thứ năm 13/02/2020 - 07:44
Năm 2020, dự báo Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - Masan Tài Nguyên sẽ đóng góp thêm vào giá trị xuất khẩu của địa phương khoảng 70 triệu USD.
Năm 2020, dự báo Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - Masan Tài Nguyên sẽ đóng góp thêm vào giá trị xuất khẩu của địa phương khoảng 70 triệu USD.

Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu (GTXK) hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu trên địa bàn đã khẩn trương bước vào sản xuất. Đồng thời, từng DN chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), bảo đảm an toàn cho người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Chủ động trong sản xuất, ngăn chặn dịch bệnh

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp (Sở Công Thương) cho biết: Trong tháng 1-2020, GTXK hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,68 tỷ USD, giảm tới 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các sản phẩm xuất khẩu chủ lực (như điện thoại thông minh, hàng may mặc, khoáng sản…) giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do tháng 1 trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dự báo GTXK của tỉnh sẽ tăng trở lại vào cuối quý I và đầu quý II năm nay.

Còn về vấn đề ảnh hưởng của COVID-19 đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Công Thương khẳng định là không đáng lo ngại, bởi các DN tham gia xuất khẩu không chịu tác động trực tiếp. Cùng quan điểm này, ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 50 DN tham gia hoạt động xuất khẩu, với 3 nhóm sản phẩm chính là điện thoại các loại, hàng may mặc, quặng và kim loại màu. Những mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang các nước Mỹ, Hàn Quốc, Canada nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp khi Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa do COVID-19. Tuy nhiên, các DN lại chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu nhập từ Trung Quốc, nhất là với sản phẩm may mặc. 

Đối với từng DN tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp ứng phó trước nguy cơ xuất hiện COVID-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Là DN may chiếm tỷ trọng lớn trong GTXK của địa phương, năm 2020, Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG phấn đấu đạt mức tăng trưởng GTXK trên 15% so với năm trước, tương đương 5.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Do Công ty ký kết được các đơn hàng đến hết quý I/2020 nên đã chủ động nhập trước một số nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên đến thời điểm này, lượng nguyên, phụ liệu đã gần hết. Trước tình hình Trung Quốc tạm dừng việc thông quan hàng hóa do COVID-19, Công ty khẩn trương tập trung chuyển sang sản xuất khẩu trang góp phần phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thay thế nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu khác. Nhờ đó, hiện nay tình hình sản xuất của đơn vị vẫn duy trì ổn định, đáp ứng trên 80% các đơn hàng… Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình) cũng có những giải pháp tương tự nhằm chủ động về nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Riêng trong quý I/2020, Công ty phấn đấu GTXK hàng may mặc đạt trên 54 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong lĩnh vực cơ khí, ông Phương Tân Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công) chia sẻ: Năm 2019, tổng doanh thu trước thuế của đơn vị đạt 970 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Năm nay, Công ty đề ra mục tiêu đạt mức doanh thu xuất khẩu tăng 3% so với năm trước. Hiện nay, để duy trì sản xuất ổn định, đơn vị đã và đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động; đồng thời tìm kiếm, mở rộng thêm đối tác để xuất khẩu các sản phẩm cơ khí, phụ tùng ô tô, xe máy…

Tương tự, đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Công ty TNHH Mani Hà Nội… thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa cũng duy trì ổn định. Trao đổi với đại diện SEVT, chúng tôi được biết 90% lượng linh kiện, phụ kiện của đơn vị được nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên do Công ty đã chủ động nhập từ sớm, thêm nữa tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều DN phụ trợ cho SEVT nên đơn vị không lo rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn linh kiện, phụ kiện phục vụ  sản xuất. 

Đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía

Quý I năm nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt trên 54 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo đại diện Sở Công Thương, năm 2019, GTXK hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt ở ngưỡng khá cao (đạt 27,6 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2018). Vì thế, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GTXK năm 2020 (tăng 7% so với năm 2019) đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng và cộng đồng DN tham gia hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó, ngay từ đầu năm các DN đã phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện COVID-19, có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. 

Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, để góp phần duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh của các DN, Sở Công Thương đã kịp thời ban hành văn bản gửi tới các DN trên địa bàn tỉnh, trong đó đề nghị các DN FDI, DN có người lao động Trung Quốc đang làm việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19, đồng thời chủ động xây dựng, triển khai phương án bố trí lực lượng lao động thay thế phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua rà soát sơ bộ của Sở Công Thương cùng các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào phản ánh về việc gặp khó khăn, vướng mắc lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các đơn vị đều duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, kết hợp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người lao động. 

Nhận định, đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay và thời gian tới, ông La Hồng Ninh bày tỏ sự lạc quan: Hiện nay, SEVT (chiếm trên 90% tổng GTXK của tỉnh) vẫn đang duy trì sản xuất ổn định. Còn đối với các DN may chủ lực, tuy rằng đang gặp khó khăn do bị thiếu nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng các đơn vị đã có những chiến lược sản xuất, kinh doanh mới, đặc biệt các đơn vị đều đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới. Ngoài ra, năm 2020, dự báo Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - Masan Tài Nguyên sẽ đóng góp thêm vào GTXK của địa phương khoảng 70 triệu USD… Từ thực tế này, chúng ta vẫn kỳ vọng về mức tăng trưởng GTXK trên địa bàn tỉnh trong năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra khi có sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và cộng đồng DN.

Nhóm P.V