Khu di tích Lý Nam Đế gồm: Đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu thờ Đức vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Vua Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ truyền thuyết, huyền thoại gắn với Đức vua. Lâu nay, các điểm di tích là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong vùng và du khách thập phương. Với giá trị lịch sử đó, năm 2012, UBND tỉnh, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Phổ Yên (nay là thị xã) phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với chủ đề “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định: Quê hương của Vua Lý Nam Đế chính là ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên.
Việc xác định được quê hương của Vua Lý Nam Đế không chỉ làm sáng tỏ một sự thật lịch sử sau hơn 15 thế kỷ với nhiều tranh cãi mà còn đem lại cho địa phương nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung niềm tự hào là quê hương của vị vua xưng đế đầu tiền của dân tộc. Để tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử Khu di tích Lý Nam Đế, Thị xã đã triển khai nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, ngay sau khi xác định được quê hương của Vua Lý Nam Đế, thị xã đã báo cáo và đến năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Đến năm 2016, chùa Mãn Tăng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Hà Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: Hằng năm, ngoài tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa của Khu di tích Lý Nam Đế, Đảng ủy xã còn đưa nội dung về thân thế, sự nghiệp của Vua Lý Nam Đế vào Dự thảo cuốn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 19422017. Ngoài ra, phối hợp với Ban Tuyên giáo thị xã và Hội Văn học nghệ thuật thị xã xuất bản cuốn sách “Tiên Phong - vùng đất địa linh”. Cùng với đó, Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa của xã cũng duy trì thường xuyên các sự kiện, dâng hương trang trọng vào các ngày sinh, ngày lên ngôi và ngày mất của Vua Lý Nam Đế.
Nhiều công trình mang tên Lý Nam Đế trên đất Phổ Yên cũng đã được ra đời. Cụ thể vào ngày 18/6/2015, UBND tỉnh đã quyết định đặt tên con đường khởi đầu từ km43, quốc lộ 3 cũ đến chân cầu vượt Đồng Tiến, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) đi vào xã Tiên Phong, mang tên Lý Nam Đế. Cùng với công trình này, năm 2017, UBND tỉnh có Quyết định số 3357/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt dự án xây dựng Trường THPT Lý Nam Đế T.X Phổ Yên”, do UBND Thị xã làm chủ đầu tư, được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Bà Trần Thị Hương Lam, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Nam Đế chia sẻ: Tôi cảm thấy rất tự hào khi ngôi trường của mình mang tên một vị vua kiệt suất của dân tộc. Để phát huy giá trị lịch sử này, Nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh đến tham quan, dọn dẹp vệ sinh tại Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế; lồng ghép kiến thức này vào các tiết học…
Cùng với những việc làm nói trên, ngày 9/5/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1228/QĐ-UBND về việc Phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên”. Việc lập Quy hoạch tổng thể có ý nghĩa: Bảo tồn, tôn tạo hướng tới Khu di tích Lý Nam Đế trở thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm kết nối với các điểm di tích quan trọng của tỉnh và các tỉnh phía Bắc, qua đó phát huy tối đa giá trị di tích lịch sử, nâng quy mô của khu di tích mang tầm Quốc gia. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 55ha, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2030. Trong đó, đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng (mỗi điểm quy hoạch 5ha). Các hạng mục trên sẽ được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp và xây mới với hình thức kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng. Ngoài các hạng mục chính, còn có các hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan…
Theo ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND Thị xã: Ngày 24-10 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình “Tu bổ, tôn tạo đền thờ Lý Nam Đế (hạng mục di tích đền Mục), xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên”, chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ có mục đích: 48,6 tỷ đồng và xã hội hóa 11,4 tỷ đồng. Theo đó, công trình dự kiến sẽ được khởi công thực hiện vào đầu năm 2020. Song song với thực hiện Dự án, hiện tại, thị xã đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn nghiên cứu, phục dựng để sớm đưa lễ hội hằng năm trở thành quần thể di tích lịch sử Lý Nam Đế. Cụ thể, thị xã đang phối hợp với Ban Tế lễ tại Đền thờ Lý Nam Đế (huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội) truyền dạy cho những già làng trong các thôn, xóm của xã Tiên Phong cách tế lễ. Trên cơ sở đó thành lập các đoàn Tế lễ trong xã và nâng tầm Lễ hội Di tích Lý Nam Đế được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm từ cấp xã lên thị xã vào năm 2020.
Trong lịch sử dân tộc, Vua Lý Nam Đế là người dựng nước Vạn Xuân, khai sinh ra nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước Việt. Ông là người đầu tiên xưng Đế và cũng là người đầu tiên đặt Niên hiệu “Thiên Đức”. |