Đồng Hỷ là huyện có diện tích chè lớn thứ 2 của tỉnh, với gần 3.800ha, tập trung ở các địa phương, như: Văn Hán, Minh Lập, thị trấn Sông Cầu... Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm vừa qua, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích người dân đầu tư phát triển cây chè. Năm 2019, dựa trên nhu cầu của người dân, từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, huyện Đồng Hỷ đã tiến hành cấp 144 máy sao, 142 máy vò và 4 máy hút chân không cho người dân ở các xóm: Vân Hán, Thịnh Đức 1 (xã Văn Hán); xóm 5, 9, Tân Tiến, Liên Cơ (thị trấn Sông Cầu). Trong đó, người dân đối ứng 50% giá trị máy móc. Ông Nông Văn Triệu, Trưởng xóm Vân Hán, xã Văn Hán cho biết: Khi được Nhà nước hỗ trợ, bà con chúng tôi tranh thủ đầu tư, đối ứng mua máy móc. Vừa qua, xóm cũng được cấp 74 máy vò, 4 tôn quay. Hiện nay, toàn xóm có 82ha chè thì có khoảng 60ha được tưới tự động. Còn việc sao sấy, 100% số hộ trồng chè đều sử dụng máy sao, vò lắp mô tơ quay tự động. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Nhu cầu đầu tư máy móc vào sản xuất chè của người dân trên địa bàn xã ngày càng cao. Do đó, thời gian qua, địa phương cũng tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện để người dân có nhu cầu đối ứng tiền mua máy móc. Năm nay, dựa trên nhu cầu của bà con, xã đăng ký thêm gần 100 tôn quay, máy vò cấp cho người dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ đưa những máy móc thông thường vào sản xuất, tại một số hợp tác xã chè trên địa bàn huyện cũng đang dần đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ chế biến chè. Đơn cử như Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt, ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập, đã đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, từ máy sao, sấy, ủ hương, dán tự động, hút chân không… Mới đây, Hợp tác xã này đầu tư thêm máy sao chè bằng khí gas với giá trị hơn 100 triệu đồng, thay thế cho tôn quay lắp mô tơ tự động. Nói về lý do đầu tư máy sao chè bằng khí gas, bà Uông Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Máy có ưu điểm dễ điều chỉnh nhiệt độ, om nhiệt tốt nên giúp búp chè chín đều, chín thấu, giữ được hương thơm tốt, chất lượng chè ngon hơn nên tôi quyết định đối ứng tiền để đầu tư mua máy…
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, toàn huyện Đồng Hỷ có hơn 1.000ha được sử dụng dàn phun tưới tự động; 100% số hộ sử dụng tôn quay, máy vò lắp mô tơ tự động… Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Đối với người trồng chè, thời gian vừa qua, tỉnh, huyện đều có nhiều hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, hỗ trợ về giá giống, hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và máy móc với mức hỗ trợ từ 50-100% tổng giá trị. Nhờ đó, người dân đã mạnh dạn đưa nhiều máy móc, trong đó, có cả máy móc hiện đại vào sản xuất chè. Thời gian tới, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng chè, nhất là việc ứng dụng máy móc vào sản xuất chè…