Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay: Chúng tôi đảm nhiệm việc khám, chữa bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới cho người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, Khoa cũng chính là nơi thu dung, cách ly, điều trị cho người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận...
Trò chuyện cùng chị Thư, tôi thấy nữ bác sĩ không nói nhiều về mình, về những khó khăn, vất vả trong công việc mà chỉ nói đến niềm vui của những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Từng học chuyên ngành đa khoa tại Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y - Dược Thái Nguyên), năm 2000, chị Thư tốt nghiệp và về công tác tại Khoa Truyền nhiễm (nay là Khoa Bệnh Nhiệt đới) của Bệnh viện. Theo chia sẻ của chị, khi mới vào công tác, chị cũng tâm tư lắm bởi đây là một Khoa rất đặc biệt, khiến nhiều người e dè ngay từ cái tên “truyền nhiễm”. Vào làm việc, được tiếp xúc với bệnh nhân, điều trị khỏi bệnh cho nhiều người bệnh, chị đã hiểu và ngày càng thêm yêu nghề mình đã chọn.
Gắn bó với Khoa đã 20 năm, “gia tài” chị có được là những kỷ niệm không thể nào quên. Và việc cứu chữa thành công cho một nữ bệnh nhân ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) có HIV do lây nhiễm từ người chồng, đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối, hy vọng sống hầu như không còn chính là điều khiến vị bác sĩ này hạnh phúc nhất. Câu chuyện này đã xảy ra gần 3 năm nhưng đến nay, chị Thư vẫn còn nhớ rất rõ. Khi ấy, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nấm não, cơ hội sống còn lại rất ít. Bệnh nhân cũng đã tuyệt vọng và không muốn hợp tác trong điều trị. Với suy nghĩ “còn nước, còn tát”, chị Thư và các y, bác sĩ của Khoa hội chẩn, trao đổi, xin ý kiến của các bác sĩ đầu ngành trong nước để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Như một kỳ tích, sau vài tháng điều trị, bệnh nhân không chỉ qua cơn nguy kịch mà còn hồi phục rất tốt. Sau đó, bệnh nhân đã xuất viện và quay trở lại làm việc tại cơ quan của mình.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chị Thư cùng các bác sĩ của Khoa điều trị cho một người nước ngoài có quốc tịch Pháp, đang tạm trú tại phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên bị nhiễm trùng máu. Bệnh nhân không có người thân, lại bất đồng ngôn ngữ nhưng bằng sự cảm thông sâu sắc với người bệnh, chị cùng cán bộ của Khoa đã hỗ trợ về mọi mặt để bệnh nhân sớm được xuất viện.
Xóa đi định kiến ban đầu để “người mới’ yên tâm gắn bó dài lâu với công việc chính là mong muốn của chị Thư và những cán bộ đã công tác khá lâu năm tại Khoa. Trong vai trò “đầu tầu”, chị Thư luôn chia sẻ và động viên những y, bác sĩ mới vào công tác. Sự chân thành của chị chính là chất “xúc tác” giúp người cũ và người mới gắn bó với nhau; giúp cho những người còn “nặng gánh” tâm tư yêu công việc được giao. Chị Trần Thị Phượng, Điều dưỡng Trưởng, người có 17 năm gắn bó với nơi này nói: Hiện, Khoa đang có 7 bác sĩ, trong đó có 2 người tốt nghiệp đại học loại giỏi, một người tốt nghiệp Đại học Quân y. Họ có nhiều điều kiện để tìm kiếm những nơi có môi trường làm việc tốt hơn, nhưng tình cảm, sự chân thành của chúng tôi đã “giữ chân” các bác sĩ ở lại cống hiến cho Khoa.
Khi nói về chị Thư, cán bộ, y, bác sĩ của Khoa đều dành cho chị những tình cảm quý mến, trân trọng. Điều này đã lý giải vì sao những năm qua, dưới sự lãnh đạo của nữ “thuyền trưởng” nhiệt huyết và yêu nghề,19 cán bộ, y, bác sĩ của Khoa luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau hoàn thành tốt công việc được giao. Cụ thể, Khoa đã điều trị được nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Nhiễm trùng máu, viêm màng não mủ, viêm não cấp, uốn ván, suy gan, viêm gan cấp... Đặc biệt, vào những đợt cao điểm của dịch bệnh, dù tiếp nhận lượng bệnh nhân đông nhưng Khoa vẫn đảm bảo điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Đơn cử như mùa Xuân năm 2014, dịch sởi bùng phát mạnh mẽ trên cả nước và tại Thái Nguyên, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 300 bệnh nhân, hầu hết đều là trẻ em dưới 1 tuổi, trong đó có không ít trẻ sơ sinh. Chị Thư cho hay: Hồi ấy, Khoa chỉ có 5 bác sĩ nhưng chúng tôi tự hào vì trong khi cả nước có khá nhiều ca trẻ mắc sởi tử vong thì tại Thái Nguyên, nhờ kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, các bệnh nhân đều được chữa trị thành công.
Hay như dịp giữa năm ngoái, dịch cúm bùng phát tại Thái Nguyên. Khó khăn nhất là bệnh có những biến chứng nguy hiểm dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi và thậm chí là nhiễm trùng đường huyết. Khoa chỉ có 35 giường bệnh nhưng đã phải tiếp nhận và điều trị trên 500 bệnh nhân. Công tác chuyên môn tuy vất vả, nhưng điều kiện cơ sở vật chất bị quá tải mới là vấn đề gian nan nhất. Dù vậy, Khoa vẫn vượt qua và hoàn thành sứ mệnh của những “thiên thần” áo trắng. Riêng năm 2019, Khoa đã khám bệnh cho trên 2.300 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 2.600 người. Ngoài ra, Khoa còn vận hành phòng khám và tư vấn tiêm chủng dịch vụ đạt kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong khu vực; hoàn thành 2 đề tài khoa học cấp cơ sở; tổ chức thành công hội thảo viêm gan với sự tham gia của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và các bệnh viện trên địa bàn...
10 năm qua, Khoa liên tục được suy tôn là tập thể lao động xuất sắc; 3 lần được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen; 1 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tuy nhiên, cán bộ của Khoa luôn khiêm nhường khi nói về sự vất vả, nỗ lực của mình và cả những thành tích đã đạt được. Với họ, phần thưởng cao quý và xứng đáng nhất chính là sự tin tưởng của bệnh nhân. Và niềm hạnh phúc lớn lao hơn cả là khi những bệnh nhân đang ở tình trạng “thập tử nhất sinh” sau khi được điều trị tại Khoa đã khỏe mạnh trở lại. Mong rằng tình cảm, nhiệt huyết của những “lương y như từ mẫu” ấy sẽ tiếp tục được lan tỏa.