Ai lần đầu đến Bình Nguyên đều dễ nhận ra sự khác biệt của nơi đây so với hầu hết xóm, bản vùng chiến khu ATK Định Hóa. Vẫn nét đặc trưng của một xóm núi với rừng cọ, nương chè thoai thoải giáp chân núi, nhưng cư dân ở Bình Nguyên sống tương đối tập trung, hầu hết nhà cửa được xây dựng khang trang với lối kiến trúc hiện đại; đường trục chính và cả những ngõ nhỏ đến tận từng gia đình đều đã đổ bê tông “Đó là lối quần cư đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ” - Bí thư Chi bộ Bình Nguyên, ông Vũ Văn Bang nói.
Trong đoàn người di cư từ Thái Bình lên Điềm Mặc xây dựng quê hương mới năm 1963, cụ Vũ Thị Động là người cao tuổi nhất. Ở cái tuổi 95, mắt mờ dần, khuôn mặt nhăn nheo và tóc đã bạc trắng màu thời gian nhưng trí nhớ của cụ vẫn minh mẫn ít người bì kịp. Cụ kể: Chúng tôi khi đó có 56 gia đình, thuộc 8 xã của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đăng ký lên miền núi khai hoang, phát triển kinh tế. Hầu hết là hộ nghèo, ruộng vườn ở quê không có đủ cày cấy. Gửi lại nhà cửa cho họ hàng, xe ô tô đi mất một ngày đêm mới đưa được chúng tôi đến khu vực ngã ba Yên Thông, xã Bình Yên bây giờ. Hành trình tiếp theo hoàn toàn phải đi bộ, vén cây rừng để men theo những lối mòn. Đồ đạc cho cả vào trong thúng mủng mà gánh hoặc khiêng. Cứ 2 hộ được phân công về ở nhờ tạm của một gia đình bản địa. Nhà nước cấp lương thực trong một thời gian trước khi tự khai hoang, làm rẫy để trồng cấy.
Trong trí nhớ của ông Vũ Văn Bang - khi đó là một thiếu niên 12 tuổi thì việc đến nơi ở mới là cả một sự háo hức. Nhất là những gì đã đọc trong sách vở, sẽ có rất nhiều chim thú để săn bắn, nhiều hoa quả mọc trong rừng có thể ăn được... Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Những người từ miền xuôi mới lên, khó khăn nhất là bắt nhịp với môi trường hoàn toàn mới với ba bề bốn phía là núi, giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt và đất canh tác cũng chưa thể khai hoang ngay được. Chưa kể, người dân còn phải đối diện với muỗi, vắt, bệnh sốt rét hay bị ngã nước... nhiều gia đình không cầm cự được đành trở lại quê cũ hoặc tìm đến vùng đất khác mong có cơ hội lập nghiệp tốt hơn.
Mô hình trồng cây ăn quả của Bí thư Chi bộ xóm Bình Nguyên, ông Vũ Văn Bang (bên trái) cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Chính lúc khó khăn như vậy, nghĩa tình của những người dân vùng đất chiến khu trở nên thật đáng quý. Ông Tạ Ngọc Hoa, sinh năm 1947, hồi tưởng lại những ngày đầu lên đây lập nghiệp: Chúng tôi ở nhờ rải rác tại các xóm Phụng Hiển, Đồng Lá, Bản Bắc… rồi đi bộ chừng 5-6km đến khu vực Bình Nguyên hiện tại để dựng lán làm nhà, những thân mai lớn được đốn xuống để làm đường dẫn nước từ mạch nguồn trên đỉnh núi về phục sinh hoạt và sản xuất. Bà con bản địa dù chẳng phải họ hàng thân thuộc nhưng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ ngày công và cả dụng cụ sản xuất. Một xóm nhỏ được hình thành với tên gọi ghép từ chữ cuối của hai tỉnh Thái Nguyên và Thái Bình như một cách thể hiện tình cảm gắn bó miền xuôi vưới miền ngược.
Từ một xóm nhỏ, nay cộng đồng dân cư ở Bình Nguyên dần phát triển quy mô đạt 140 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Đời sống người dân ngày càng khấm khá khi hầu hết số hộ trong xóm đã có nhà xây kiên cố, số hộ nghèo và cận nghèo dần giảm xuống còn dưới 10%. Ông Vũ Văn Bang chia sẻ: Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, chúng tôi có kiến thức và kinh nghiệm về canh tác lúa nước cũng như cây mầu. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Bình Nguyên trở thành một trong những xóm dẫn đầu của xã Điềm Mặc về sản lượng lương thực. Dần dà, bà con học tập thêm việc trồng rừng và cây chè cũng như chia sẻ kinh nghiệm với người dân bản địa để cùng phát triển. Gần 60 năm lên đây lập nghiệp nhưng mọi người vẫn giữ được nền nếp đoàn kết, cùng giúp nhau công việc khi có chuyện vui hay buồn, truyền dạy cho con cháu điệu hát chèo truyền thống hay tổ chức những chuyến xe chung để cùng về thăm quê cũ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trong tâm khảm của người dân xóm Bình Nguyên, Định Hóa đã trở thành quê hương thứ 2 và cái tên Bình Nguyên luôn nhắc nhớ về một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; nghĩa tình gắn bó máu thịt hai tỉnh Thái Bình - Thái Nguyên.