Vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo ôm lấy những đồi vải, đồi nhãn đang mùa nở hoa ở xóm Phúc Thành, chúng tôi dừng chân ở khu đồi chuyên trồng vải, nhãn của ông Hoàng Đức Văn. Dưới những tán cây xanh mát là gần 200 thùng ong được xếp ngay ngắn, đàn ong bay lượn lấy mật hoa phủ kín cả cây. Dẫn chúng tôi đi quanh đồi, ông Văn chia sẻ: Mùa này có nhiều loại hoa nên ong có nguồn thức ăn phong phú, càng nhiều hoa, mật càng ngon. Trong các loại mật hoa thì mật hoa vải, hoa nhãn luôn là loại thơm ngon hơn cả, được người mua ưa chuộng. Với thâm niên hơn chục năm nuôi ong, ông Văn cho biết: Muốn nuôi được ong thì phải hiểu, yêu quý, tận tình với chúng thì chúng mới trả công cho mình. Nếu thờ ơ, chúng sẽ bỏ đi. Người nóng nảy, thiếu kiên nhẫn thì không nuôi được ong. Loài ong tuy nhỏ bé nhưng lại có tổ chức rất quy củ, khoa học. Trong bầy ong có hàng vạn con nhưng luôn được chia thành 3 nhóm (ong chúa, ong đực, ong thợ). Ong chúa đảm nhận việc sinh sản, ong đực chỉ để phối giống cho ong chúa, còn ong thợ lại chuyên xây tổ, lấy mật... Ong chúa có thể sống đến 4 năm, còn ong thợ chỉ khoảng 40 ngày, khi sức tàn, lực kiệt, ong sẽ tự bay ra khỏi tổ.
Ở Phúc Thành, người nuôi ong biết tính mùa hoa để “gây” ong giống sao cho vòng đời ong nở ra đúng thời điểm lấy mật. Người nuôi ong sẽ tranh thủ mùa hoa tháng 3 để củng cố đàn ong và cho chúng sản xuất mật. Vào đúng vụ hoa, mỗi tuần, 1 cầu ong được quay mật 1 lần. Vào những năm được mùa hoa như năm nay, mỗi đàn ong có thể cho từ 10-14 lít mật, mỗi lít có giá trung bình 150 nghìn đồng. Với gần 200 đàn ong, mỗi năm, gia đình ông Văn thu khoảng 100 triệu đồng từ bán mật.
Để tìm hiểu thêm về nghề nuôi ong, chúng tôi đến gặp ông Phạm Thanh An, Trưởng xóm Phúc Thành và được biết: Khoảng chục năm về trước, nghề nuôi ong ở đây chưa phát triển, các hộ nuôi còn rải rác, chủ yếu nuôi để lấy mật phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Nhưng hiện tại, nghề nuôi ong ở đây đang phát triển mạnh mẽ, toàn xóm có khoảng 30 hộ nuôi ong với tổng số trên 2.000 đàn. Tuy ở Phúc Thành có nguồn thức ăn phong phú nhưng người nuôi ong ở đây vẫn thường di tản đàn ong gửi đến những nơi khác để giãn đàn, nâng cao chất lượng mật hơn. Ngoài nuôi ong lấy mật, các gia đình ở Phúc Thành còn gây ong giống cung cấp cho nhiều người có nhu cầu nuôi ong để tăng thêm thu nhập. Nhờ nghề nuôi ong, đời sống người dân ngày một nâng lên. Trung bình mỗi hộ nuôi ong thu nhập từ 50-150 triệu đồng/năm. Đây là nghề cho thu nhập ổn định và khá hơn hẳn so với làm ruộng.
Để phát triển nghề nuôi ong, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong Phúc Thành đã được thành lập với 32 hội viên đến từ 3 xã Hóa Trung, Hóa Thượng, Khe Mo. Trong đó, hội viên ở xóm Phúc Thành có 17 thành viên. Tham gia HTX, các thành viên có thêm điều kiện giao lưu, giúp đỡ nhau về khoa học, kỹ thuật. Hiện nay, HTX đã được đầu tư máy tách thủy phần mật ong. Sản phẩm mật ong khi được xử lý qua máy tách thủy phần sẽ cho chất lượng mật ngon, bảo quản được lâu hơn và có giá bán cao hơn so với mật ong chưa qua xử lý. Mong muốn của người nuôi ong ở Phúc Thành là xây dựng được thương hiệu “Mật ong Phúc Thành”.