Cập nhật: Thứ ba 17/03/2020 - 14:28
Nkosiyazi Mncube 23 tuổi (trái) nhận liều văcxin thử nghiệm ngừa HIV đầu tiên tại tỉnh KwaZulu-Natal (Nam Phi) năm 2016.
Nkosiyazi Mncube 23 tuổi (trái) nhận liều văcxin thử nghiệm ngừa HIV đầu tiên tại tỉnh KwaZulu-Natal (Nam Phi) năm 2016.

Viện Dị ứng và bệnh nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) mới đây đã chấm dứt chương trình thử nghiệm vaccine phòng ngừa virus HIV mang tên HVTN 702 tại Nam Phi. Nguyên nhân do vaccine thử nghiệm không mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.

Nguyên nhân khiến HVTN 702 thất bại?

Chương trình HVTN 702 còn gọi là chương trình Uhambo) do NIAID tài trợ thử nghiệm ở giai đoạn 2b. Thử nghiệm bắt đầu từ tháng 10/2016 ở Nam Phi, nơi có hơn 1.000 người nhiễm HIV mỗi ngày. Mục tiêu thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả và phản ứng của vaccine với người.

Tính đến cuối tháng 1/2020, Mỹ đã tiến hành 3 chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa virus HIV trên người. Hai loại vaccine thử nghiệm khác mang tên ALVAC-HIV (vCP2438) và Bivalent Subtype C gp120/MF59 do hai hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) cung cấp.

Các vaccine được điều chế từ bản sao tổng hợp (nhân tạo) các đoạn cắt HIV chứ không phải từ virus HIV sống, virus HIV chết. Các đoạn cắt lấy từ virus HIV hay tế bào người nhiễm HIV. Do đó, vaccine thử nghiệm không thể gây nhiễm cho người tham gia thử nghiệm.

Tên của hai loại ứng viên vaccine thử nghiệm là tên của hai loại thuốc tiêm bắp. Loại tiêm bắp đầu tiên được điều chế từ virus canarypox (virus đậu hoàng yến) kết hợp với các protein "lành" của virus. Đây là phần nhử mồi nhằm đánh động hệ miễn dịch rằng virus HIV đang hiện diện trong cơ thể.

Loại tiêm bắp thứ hai là các phần vỏ ngoài protein bao quanh virus HIV kết hợp với chất bổ trợ có nguồn gốc squalene (chất bổ trợ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên vi sinh vật trong vaccine). Đây là chất kích thích cho phần nhử mồi nêu trên. Một khi hệ miễn dịch nhận được tín hiệu báo động, loại tiêm bắp thứ hai sẽ kích thích sản sinh tế bào lympho B (tế bào bạch cầu) chịu trách nhiệm sản sinh phản ứng miễn dịch.

Thử nghiệm lâm sàng được tiến hành đối với 5.400 nam và nữ trưởng thành âm tính với virus HIV từ 18-35 tuổi cư trú tại 14 địa điểm ở Nam Phi. Trong 6 tháng, những người tình nguyện tham gia thử nghiệm được chọn ngẫu nhiên để nhận 6 mũi tiêm vaccine hoặc giả dược. Đây là phương pháp thử nghiệm truyền thống khác với phương pháp "chủng ngừa vòng" áp dụng trong thử nghiệm vaccine ngừa virus Ebola. Sau đó, họ được theo dõi từ 24-36 tháng.

Chương trình thử nghiệm HVTN 702 nối tiếp sau chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mang tên RV144 được quân đội Mỹ hợp tác với Bộ Y tế Thái Lan thực hiện ở Thái Lan từ tháng 10/2003 đến tháng 6/2009, với 16.402 người từ 18-30 tuổi tham gia. Kết quả khẳng định lần đầu tiên vaccine có thể ngăn ngừa nhiễm HIV nhưng hiệu quả còn thấp, chỉ đạt 31,2%.

Trong thử nghiệm HVTN 702, thành phần vaccine đã có thay đổi để gia tăng mức độ và thời gian miễn dịch. Cuối cùng kết quả đạt được không như mong đợi. Trong số người được tiêm vaccine đã có 129 ca nhiễm so với 123 ca nhiễm trong số người nhận mũi tiêm giả dược. Chính vì vậy chương trình thử nghiệm đã bị dừng lại.

Gian nan hành trình tìm kiếm vaccine HIV

Đối với chương trình thử nghiệm vaccine ngừa virus HIV thứ 2 của Mỹ mang tên HPX2008/HVTN 705 (còn gọi Imbokodo), đây là thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2b dành cho đối tượng phụ nữ. Thử nghiệm bắt đầu từ tháng 11/2017 và kết thúc tuyển người tham gia vào tháng 5/2019. Có đến 2.600 phụ nữ từ 18-35 tuổi ở 5 quốc gia phía nam châu Phi gồm Nam Phi, Malawi, Mozambique, Zambia và Zimbabwe tham gia thử nghiệm. Dự kiến thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 2/2022.

Vaccine thử nghiệm gồm hai loại thuốc tiêm chứa các thành phần khác nhau và sử dụng chiến lược kích thích bằng mồi nhử tương tự chương trình HTVN 702 kể trên.

Loại thuốc tiêm đầu tiên mang tên Ad26.Mos4.HIV gồm một adenovirus (virus gây cảm lạnh thông thường) được chỉnh sửa phối hợp đến các đoạn cắt HIV. Loại thuốc tiêm thứ 2 gồm nhiều mảnh vỏ bọc protein của virus HIV kết hợp với chất bổ trợ có nguồn gốc nhôm phosphate. Những người tham gia sẽ được tiêm vaccine hoặc giả dược như cuộc thử nghiệm HTVN 702. Chương trình này do Công ty dược phẩm sinh học Janssen Vaccines & Prevention BV (Hà Lan) tài trợ.

Chương trình thứ 3 mang tên HPX3002/HVTN 706 (còn gọi là Mosaico) thử nghiệm vaccine ngừa virus HIV ở giai đoạn 3 nhắm đến đối tượng nam giới và người chuyển giới. Khác với hai chương trình trên, chương trình thứ ba được thực hiện ở nhiều địa điểm tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu chứ không phải tại châu Phi.

Chương trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 7/2019 tuyển dụng 3.800 nam giới và người chuyển giới từ 18-60 tuổi, âm tính với virus HIV, có quan hệ tình dục với nam giới hoặc người chuyển giới. Thử nghiệm sử dụng vaccine tương tự chương trình thử nghiệm thứ 2. Các đối tác tài chính của chương trình gồm Janssen Vaccines & Prevention BV của Hà Lan và Viện Dị ứng và bệnh nhiễm quốc gia Mỹ.

Việc tìm kiếm vaccine ngừa HIV vẫn đang là hành trình rất gian nan đối với các nhà khoa học. Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành tổ chức Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI, có trụ sở ở Thụy Sĩ) - nhận xét virus HIV có các đặc điểm gây trở ngại cho tiêm chủng vaccine. Ví dụ virus HIV biết sử dụng nhiều phương pháp đánh lạc hướng và trốn tránh hệ miễn dịch. Do đó, các nhà khoa học phải tìm “mưu mẹo” nhằm mục đích đánh lừa hệ miễn dịch tập hợp quân.

Bên cạnh đó, virus HIV còn có thể mang nhiều hình dạng khác nhau. Phản ứng miễn dịch đối với một dạng virus này chưa chắc hiệu quả đối với dạng virus khác. Ngoài ra, rất khó đo lường mức miễn dịch với virus HIV. Nếu muốn kiểm tra khả năng miễn dịch với bệnh sởi sau khi tiêm vaccine, bạn có thể đo mức kháng thể chống lại virus sởi. Điều này lại không thể thực hiện với virus HIV. Cuối cùng qua thử nghiệm, vaccine ngừa HIV cần phải đạt mức độ bảo vệ an toàn tối thiểu 50%.

Năm 1984, các nhà nghiên cứu nhận diện virus làm suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Y tế Mỹ Margaret Heckler đã lạc quan tuyên bố: "Chúng tôi hi vọng sẽ có một loại vaccine sẵn sàng để thử nghiệm trong khoảng hai năm nữa".

Bà khẳng định "căn bệnh khủng khiếp sẽ phải lùi bước trước sự nhẫn nại, lòng kiên trì và năng lực của chúng ta". Thời điểm đó, phát biểu của bà đã mang đến hi vọng lớn về việc tìm ra loại vaccine chống lại virus gây ra căn bệnh thế kỷ này, tuy nhiên 36 năm sau thế giới vẫn phải kiên nhẫn, tiếp tục những nghiên cứu với hy vọng sớm tìm ra loại vaccine này.

T.H
Cập nhật