Chị Nguyễn Thu Hương, một người dân ở tổ 30, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Mỗi lần đi khám bác sĩ, cầm đơn đi mua thuốc, tôi vô cùng bối rối, không biết nên mua loại nào. Ví dụ như thuốc kháng sinh, cùng là Cefixim nhưng người bán thuốc lại giới thiệu mấy loại, có loại trong nước sản xuất, có loại là nhập khẩu… Nghe họ giới thiệu thì biết vậy chứ chúng tôi không có chuyên môn nên cũng không hiểu loại nào tốt hơn. Hơn nữa, điều tôi lo lắng nhất là các loại thuốc đó có phải là hàng giả hoặc kém chất lượng không?
Trên thực tế, băn khoăn của chị Hương cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều người dân và của cả những người làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dược phẩm. Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có trên 1.130 cơ sở kinh doanh dược hoạt động có giấy phép. Để ngăn chặn tình trạng các cơ sở kinh doanh dược phẩm giả, kém chất lượng, thời gian qua, ngành Y tế đã tăng cường rất nhiều biện pháp. Cụ thể, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, ngành yêu cầu các đơn vị thực hiện mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sản xuất tại Việt Nam. Thực hiện hai mục tiêu cơ bản của chính sách Quốc gia về thuốc là: Bảo đảm cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân; bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả, ngành đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dược, chú trọng đến việc sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối thuốc ở tất cả các địa bàn. Bên cạnh đó, ngành còn triển khai Luật Dược và các văn bản hướng dẫn đến các cơ sở có kinh doanh dược phẩm…; tổ chức các lớp tập huấn về công tác dược cho đội ngũ cán bộ dược của các trạm y tế, khoa dược của các bệnh viện, phòng y tế nhằm nâng cao năng lực quản lý thuốc từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, triển khai kịp thời và thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về thu hồi thuốc giả, tăng cường quản lý thuốc gây nghiện hướng thần.
Nhằm tăng cường công tác quản lý dược phẩm, việc giám sát, quản lý khâu sản xuất, kinh doanh thuốc nhằm bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân cũng được ngành Y tế quan tâm đúng mức. Hằng năm, ngành đều xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác dược đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, cơ sở quản lý, sử dụng thuốc trên địa bàn. Năm 2019, ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra 381 cơ sở dược, phát hiện 93 cơ sở vi phạm và tiến hành phạt hành chính với số tiền gần 300 triệu đồng. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh dược phẩm.
Kho Dược của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên luôn được bảo quản tốt. Ảnh: T.L
Ngoài ra, ngành cũng tăng cường giám sát chất lượng các loại thuốc. Theo đó, chất lượng giám sát về chuyên môn kỹ thuật và thiết bị ngày càng được nâng cao, đã xây dựng được nhiều quy trình thao tác chuẩn và áp dụng có hiệu quả. Công tác phối hợp với phòng y tế các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc được tiến hành thường xuyên nên đã phát huy hiệu quả tích cực. Năm qua, ngành đã kịp thời thông báo và hướng dẫn thu hồi 16 loại thuốc, 56 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo báo cáo của Bộ Y tế…
Có thể khẳng định, với nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không phát hiện tình trạng kinh doanh dược phẩm giả. Nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch luôn đảm bảo và giá cả ổn định. Các quầy thuốc đều niêm yết giá bán theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác quản lý dược phẩm trong tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn nhân lực dược, nhất là dược sĩ có trình độ đại học; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dược tại các phòng y tế cấp huyện…
Để siết chặt hơn nữa công tác này, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục chú trọng đến công tác đào đạo nguồn nhân lực về dược, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, từ đó đảm bảo chất lượng các loại thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.