Nhà máy gạch tuy-nel thuộc Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (đứng chân tại Cụm công nghiệp Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) là một trong những đơn vị sản xuất gạch xây dựng có tiếng trên địa bàn tỉnh, với công suất trung bình gần 650 nghìn viên/tháng. Thế nhưng, những ngày này, khi đến tìm hiểu tình hình thực tế, chúng tôi nhận thấy lượng gạch tồn kho tại Nhà máy còn khá lớn (xếp kín 2 bãi chứa), những chiếc xe ô tô tải chuyên dùng chở gạch nằm “bất động” một hàng dài. Ông Đoàn Văn Ký, quản lý Nhà máy bày tỏ lo lắng: “Mặc dù đang là thời kỳ cao điểm của “mùa” xây dựng, thế nhưng từ đầu năm đến nay sản lượng gạch tiêu thụ của Nhà máy vẫn sụt giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Mấy tháng qua, chúng tôi đã hạ công suất dây chuyền sản xuất xuống 70-80% nhưng gạch vẫn không tiêu thụ hết”.
Tương tự, đối với Nhà máy gạch tuy-nel Phú Lộc, ông Vũ Thu, Giám đốc Nhà máy cho biết: Những tháng gần đây, sản lượng gạch tiêu thụ của Nhà máy chỉ đạt 200-300 nghìn viên/tháng, sụt giảm từ 20-30% so với bình thường. Vấn đề đáng lưu tâm nữa là không chỉ khó tiêu thụ, gạch tuy-nel còn giảm giá khiến các DN thêm lao đao. Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Nhà máy gạch tuy-nel Chiến Oanh, ở xã Khe Mo (Đồng Hỷ) bộc bạch: “Do gạch khó tiêu thụ nên chúng tôi buộc phải hạ giá bán để “kích cầu” thị trường. Hiện nay, giá gạch dao động từ 700-800 đồng/viên, giảm 200-300 đồng so với năm 2019. Điều này khiến DN phải bù lỗ để trả lương cho người lao động và duy trì sản xuất”.
Không riêng sản phẩm gạch tuy-nel, nhiều DN sản xuất xi măng, gạch không nung cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên cho biết: “Đơn vị có 2 dây chuyền sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, gạch tiêu thụ khá chậm và chỉ đạt khoảng 700 nghìn viên/tháng (giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước). Do đó chúng tôi đã phải tạm dừng 1 dây chuyền sản xuất từ 4 tháng qua”. Còn một số nhà máy xi măng đang phải xoay sở đủ cách để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Sở dĩ các DN sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn là do thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn khá ảm đạm và năng lực sản xuất của từng DN còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, theo ông Nông Văn Hợp, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng): Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc. Thêm vào đó, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho thị trường VLXD càng trở nên ảm đạm. Còn nguyên nhân chủ quan là hiện nay, các DN sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh về giá bán trên thị trường trong, ngoài tỉnh...
Sản xuất gạch bê tông không nung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá.
Trước thực trạng khó khăn hiện nay, nhiều DN sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh đang “căng mình” tìm cách gỡ khó, như: Đa dạng hóa các sản phẩm, giảm giá bán, nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, hoặc duy trì sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động và chờ thị trường VLXD khởi sắc trở lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn cho biết: “Hiện nay, Công ty đang nỗ lực thực hiện giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xi măng, gạch lát vỉa hè đô thị, tiếp tục cải tiến mẫu mã các loại gạch terrazzo, gạch block và vỏ bao xi măng; đồng thời, liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng. Đây chính là những yếu tố quyết định đến việc nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh đối với các sản phẩm của Công ty trên thị trường. Nhờ triển khai những giải pháp này, quý I năm nay, Công ty duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, doanh thu từ sản xuất ước đạt 25 tỷ đồng, bằng 27,8% kế hoạch năm”. Còn ông Đoàn Văn Ký, quản lý Nhà máy gạch tuy-nel thuộc Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm tại thị trường các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Cùng với giải pháp của Nhà máy, phía Công ty đang chuyển hướng tập trung sản xuất các sản phẩm khác như bê tông thương phẩm, ống cống và khai thác cát sỏi để “gánh” áp lực cho sản phẩm gạch”. Đối với Nhà máy gạch tuy-nel Phú Lộc đang dùng quỹ dự phòng để trả lương cho người lao động, cố gắng duy trì sản xuất, không phải ngừng hoạt động của lò nung gạch (bởi mỗi lần khởi động lò nung sẽ phải chi phí từ 200-300 triệu đồng). Còn với Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên buộc phải giảm tiền lương của người lao động, đồng thời tập trung chuyển sang sản xuất cột điện bê tông để bù lỗ cho sản xuất gạch…
Cùng với những giải pháp nêu trên, các DN sản xuất VLXD trên địa bàn luôn mong muốn được các sở, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước tháo gỡ khó khăn, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm và tạo cầu nối liên doanh, liên kết sản xuất giữa các đơn vị trong ngành; đồng thời có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, về giải pháp “căn cơ” lâu dài, bản thân từng DN tích cực, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng các sản phẩm; kịp thời nắm bắt nhu cầu sử dụng VLXD của khách hàng để điều tiết sản xuất hợp lý; chú trọng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và chất lượng dịch vụ trong khâu bán hàng; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh…