Hầu hết các chỉ tiêu đều suy giảm
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) quý I/2020 của tỉnh tại Hội nghị bàn về đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 do đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì chiều 24-3 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể là giá trị sản xuất công nghiệp ước giảm 3,9% (đạt khoảng 145.100 tỷ đồng), trong đó, nhóm sản phẩm điện tử và dệt may có mức giảm lên tới 15-20%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước giảm 16,4% (đạt khoảng 6,6 tỷ USD); giá trị nhập khẩu hàng hóa ước giảm 8,7% (ước đạt 3,878 tỷ USD); dư nợ tín dụng giảm khoảng 0,2% so với cuối năm 2019… Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng lại tăng 6-7% (đây là mức tăng cao trong nhiều năm qua). Tại nhiều DN còn xuất hiện tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật cao, do nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài đến từ các nước có dịch bị hạn chế nhập cảnh hoặc nhập cảnh nhưng bị cách ly, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh…
Kiến nghị từ doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo đại diện của các hội, hiệp hội DN tỉnh thì những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các chỉ tiêu KT-XH trong quý I là chưa đáng kể, do đa số DN vẫn hoạt động ổn định vì đã có kế hoạch dài hạn. Nhưng từ quý II, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giảm mạnh và mức độ giảm phụ thuộc vào thời gian, diễn biến của dịch.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đã không ngần ngại khi sử dụng những cụm từ như “nguy kịch”, “cái chết đang đến gần” để miêu tả thực trạng và sự khó khăn mà phần lớn DN đang phải đối mặt. Đơn cử như với TNG, mặc dù 3 tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ổn định nhưng từ tháng 4 thì sẽ phải cắt giảm lao động do một số đối tác tại Mỹ đã tạm dừng đơn hàng, trong khi đó nguyên liệu đầu vào Công ty đã nhập đủ và lãi suất ngân hàng vẫn phải trả. Trước thực trạng này, thay mặt cho Hiệp hội DN tỉnh, ông Thời kiến nghị 3 gói hỗ trợ. Thứ nhất là tỉnh sớm đề xuất với Chính phủ ban hành gói hỗ trợ tín dụng cho DN thông qua việc cấp bù lãi suất để ngân hàng có thể giảm lãi sâu hơn cho DN, bởi nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ thì ngân hàng cũng chỉ có thể giảm 0,5-1%/năm cho DN, bởi bản chất ngân hàng cũng là DN, họ không thể bán sản phẩm thấp hơn giá thành. Thứ hai là về thuế. Cho phép DN gặp khó khăn được gia hạn, giãn, hoãn số thuế phải nộp của năm 2020. Đồng thời thông báo rõ những đối tượng được áp dụng. Thứ ba là gói bảo hiểm xã hội (BHXH). Cho phép DN hoãn, giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động ít nhất 6 tháng của năm nay, để DN giảm bớt lãi vay ngân hàng.
Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, ông Thời kiến nghị tỉnh sớm làm việc với Bộ Công Thương để đề xuất với Chính phủ nới lỏng Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 để Công ty có thể xuất khẩu khẩu trang y tế ra một số nước có nhu cầu, nhằm bù đắp những đơn hàng bị dừng, giải quyết phần nào việc làm cho người lao động.
Cũng có chung kiến nghị với Hiệp hội DN tỉnh, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa; Hội nữ Doanh nhân và Hội DN trẻ tỉnh kiến nghị thêm: Tỉnh cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để tránh gây phiền hà cho người dân, DN; thay đổi một số quy định gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện đầu tư dự án cũng như mở rộng quy mô của DN. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi nếu trên địa bàn xuất hiện ca dương tính với loại virus này thì các DN sẽ còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với hiện nay…
Những DN có hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn từ quý II/2020 bởi dịch COVID-19. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Alutec Vina, KCN Điềm Thụy.
Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ kép
Khẳng định sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chống lại dịch COVID-19, đồng chí Vũ Hồng Bắc cho biết: Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của DN. Vì thế, hơn lúc nào hết, UBND tỉnh cũng như từng sở, ngành, địa phương của tỉnh đều phải có trách nhiệm chung tay hỗ trợ các DN. Đây cũng là nhằm thực hiện nhiệm vụ kép theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là song song với chống dịch là phát triển kinh tế. Bởi nếu DN hoạt động kém hiệu quả sẽ không thể đóng góp được cho ngân sách Nhà nước. Và như thế, sẽ lấy gì để trả lương cho cán bộ, công chức, đồng thời cũng sẽ gia tăng lao động thất nghiệp, nảy sinh những vấn đề xã hội tiêu cực... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, những năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn đã luôn đồng hành cùng tỉnh trong rất nhiều sự kiện, hoạt động và ngay trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, các DN cũng đã đóng góp 15 tỷ đồng. Vì thế, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả và cụ thể nhất đối với DN; tiếp tục cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết; điều chỉnh lại kế hoạch thanh tra để DN có thời gian tập trung cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đúng quy định. Đồng chí giao Sở Công Thương làm việc với Bộ chủ quản để tháo gỡ một số khó khăn cho DN, trong đó có vấn đề xuất khẩu khẩu trang y tế của DN dệt may… Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực hết sức để phòng chống dịch COVID-19, vì thế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, cộng đồng DN cũng sẽ nỗ lực hơn nữa để tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả, cùng tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tất cả các kiến nghị của DN sẽ được UBND tỉnh tiếp thu, báo cáo Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy theo thẩm quyền.