Cập nhật: Thứ bẩy 28/03/2020 - 13:55
Nông dân xã Huống Thượng thu hoạch rau trồng theo quy trình VietGAP.
Nông dân xã Huống Thượng thu hoạch rau trồng theo quy trình VietGAP.

Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) là xã thuần nông, nằm ven sông Cầu. Bao đời nay, người dân trên địa bàn xã sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và sản xuất nông sản theo nhu cầu thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao.

Đến xã Huống Thượng những ngày này, chúng tôi được chứng kiến cảnh nông dân làm đồng khá bận rộn. Đang bó đỗ trên mảnh vườn của gia đình, ông Phạm Văn Thế, ở xóm Cậy, dừng tay chia sẻ với chúng tôi: Từ đầu năm đến nay, rau xanh bán ra thị trường luôn được giá. Đơn cử mỗi ki-lô-gam đỗ ván hiện nay gia đình tôi bán vào siêu thị với giá là 15.000 đồng/kg. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ông Thế là một trong những thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn xóm Cậy. Từ khi vào Tổ hợp tác trồng rau an toàn, ông được hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP, không những môi trường luôn được đảm bảo mà sản phẩm làm ra được các siêu thị thu mua với giá bán cao. 

Xã Huống Thượng có diện tích đất canh tác gần 1.000ha, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 740ha, còn lại là trồng màu và chè. Những năm qua, nông dân trong xã luôn tìm hướng đi phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả và chất lượng. Hiện nay, ngoài đưa các giống lúa chất lượng vào đồng ruộng thì người dân chủ yếu trồng rau và hoa. Cùng với việc thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân trong xã còn thành lập Câu lạc bộ trồng hoa tươi. Chị Nguyễn Thị Ngát, một nông dân của xóm Cậy, xã Huống Thượng có diện tích trồng hoa lớn, cũng là thành viên Câu lạc bộ trồng hoa tươi xóm Cậy chia sẻ: Từ khi vào Câu lạc bộ trồng hoa tươi tôi có điều kiện được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa và được tham gia vào các mô hình trồng hoa chất lượng do ngành Nông nghiệp triển khai. Đơn cử, vụ trồng hoa để phục vụ Tết Nguyên đán vừa qua, tôi tham gia mô hình trồng hoa chất lượng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên triển khai. Với 5 sào hoa, gia đình tôi được gần 150 triệu đồng, cao hơn vụ trồng hoa Tết năm trước khoảng 30 triệu đồng.

Ông Dương Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng thông tin: Hiện xã Huống Thượng đang có 1 câu lạc bộ cùng sở thích trồng hoa tươi, với 36 thành viên tham gia, quy mô sản xuất 5ha; 1 tổ hợp tác trồng rau an toàn với tổng diện tích canh tác 121ha. Do bà con nhạy bén nắm bắt thị trường, đưa các giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hiện nay giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của xã đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, riêng đối với diện tích đất trồng hoa cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên đánh giá: Do sản xuất rau màu lâu năm nên nông dân xã Huống Thượng có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt. Mặt khác, người dân nơi đây luôn biết phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao như, mô hình trồng hoa chất lượng cao; mô hình trồng rau chất lượng, an toàn trong nhà lưới được triển khai tại địa phương đều hiệu quả, thành công. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm những mô hình phát triển nông nghiệp mới tại đây để các hộ nông dân có thêm cơ hội tiếp cận và phát triển trồng trọt theo hướng xanh, sạch, an toàn và đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Sông Hương