P.V: Thưa bà, với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành LĐ-TB&XH đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng đến thị trường việc làm và cách ứng phó?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số hơn 200 nghìn lao động. Sau Tết Nguyên đán 2020, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì hoạt động, nhưng dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể đến một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Thời điểm hiện tại, hoạt động xuất, nhập khẩu với các thị trường, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... bị ảnh hưởng. Vì vậy, một số lĩnh vực sản xuất trong nước, địa phương có xu hướng giảm so với cùng kỳ; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động, điển hình như nhóm ngành may thời trang, may công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải, du lịch giảm mạnh... Theo thống kê sơ bộ, đã có 38 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngừng hoạt động hoặc giảm bớt/chấm dứt hợp đồng với người lao động...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm... đang tạm dừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng đã phải mở rộng đối tượng tuyển dụng, tuyển dụng lao động làm việc ngắn hạn... Về phía ngành LĐ-TB&XH, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh kế hoạch công tác, đổi mới hoạt động như: Thực hiện việc phân luồng, giảm tải mật độ người lao động đến giao dịch cùng một thời điểm trong giải quyết thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện tư vấn lao động, giới thiệu việc làm, tuyển dụng và cung ứng lao động, thu thập thông tin thị trường lao động bằng hình thức trực tuyến, sử dụng điện thoại, Zalo, email, website…
P.V: Bà có thể nói rõ hơn về các giải pháp ứng phó?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành LĐ-TB&XH đã quán triệt các nội dung về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Lao động - TB&XH và của tỉnh Thái Nguyên đến cán bộ, công nhân viên chức trong toàn Ngành. Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực lao động; hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tập trung phòng, chống dịch COVID -19... Qua đó, vừa thực hiện các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo quyền lợi. Sở đã yêu cầu các đơn vị hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gửi hồ sơ và nhận kết quả về lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; qua bưu kiện, điện thoại, bưu chính…
Các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn thông qua đầu mối là cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã, các tổ trưởng tổ dân phố/trưởng xóm/bản để tổng hợp, khai thác nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn, sẵn sàng cung cấp thông tin về việc làm cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và cung ứng lao động trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình thị trường lao động tới đây khi dịch bệnh chấm dứt.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục chú trọng giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt công tác việc làm, an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài đến từ các quốc gia có dịch COVID-19 đến tỉnh Thái Nguyên; thực hiện báo cáo kịp thời với UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH theo đúng quy định.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!