Cập nhật: Thứ tư 29/04/2020 - 08:19
CCB Ngô Hồng Mưu (bên trái), CCB Vũ văn Phú (bên phải ảnh) và CCB Chu Đức Tiên, xóm La Giang, xã Bá Xuyên, nguyên chiến sĩ của Đại đội Pháo binh cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Hiện các ông đang sinh hoạt tại Ban Liên lạc Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ. Mỗi khi có thông tin về liệt sĩ, các ông lại hội ý để đi tìm đồng đội.
CCB Ngô Hồng Mưu (bên trái), CCB Vũ văn Phú (bên phải ảnh) và CCB Chu Đức Tiên, xóm La Giang, xã Bá Xuyên, nguyên chiến sĩ của Đại đội Pháo binh cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Hiện các ông đang sinh hoạt tại Ban Liên lạc Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ. Mỗi khi có thông tin về liệt sĩ, các ông lại hội ý để đi tìm đồng đội.

Cựu binh Vũ Văn Phú, xóm La Cảnh 2, xã Bá Xuyên (T.P Sông) khi đó được biên chế ở Trung đoàn 205, Sư đoàn 3B, nằm trong đội hình Quân đoàn 232 tâm sự với chúng tôi đầy tiếc nuối: Có lẽ chúng tôi là một trong những đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sớm nhất vì là lực lượng bộ binh mở đường nhưng lại chưa kịp vào đến Sài Gòn để chứng kiến khoảnh khắc cờ Tổ quốc được cắm trên nóc Dinh Độc Lập.

Ông kể: “Khi nhận lệnh bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đánh trận đầu tiên là chiếm đồn Lộc Giang, thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đơn vị hành quân liên tục 3 ngày đêm để lội qua thượng nguồn sông Vàm Cỏ sang đất bạn Campuchia rồi tiếp tục xuôi xuống. Nhưng khu vực hạ nguồn nước sông sâu nên bắt buộc phải sử dụng thuyền. Yêu cầu bắt buộc là mỗi thuyền không quá 2 người để đảm bảo bí mật và phải đánh chiếm đồn Lộc Giang ngay trong đêm. Lúc nhận lệnh vượt sông khoảng 8 giờ tối, quân số đơn vị lên tới hàng trăm người. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao những con thuyền lại có thể bơi “thần tốc” đến vậy...”.

Trong câu chuyện, tôi không nghe ông Phú nhắc nhiều đến sự gian khổ, nhưng chỉ một câu thôi “Lúc đi hơn 500 người, khi trở về còn có mấy mươi người”, đủ để giúp chúng tôi hiểu thế nào là chiến tranh, là hy sinh, mất mát.

Còn với ông Ngô Hồng Mưu, ở tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (T.P Sông Công), nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, từng tham gia mũi tiến công qua các địa danh đầy cam go, khốc liệt như: Sân bay Biên Hòa, Long Bình, Dầu Giây... lại cười hồn hậu khi nhắc đến những năm tháng sống và chiến đấu ấy. Ông dí dỏm: “Chuyện đánh giặc để Nam - Bắc một nhà là người Việt Nam ai cũng biết rồi. Nhưng còn chuyện bộ đội nấu cơm không bao giờ có vung chắc chưa có nhiều người biết đâu”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và thích thú, ông mỉm cười: “Tinh thần của chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” nên là chúng tớ hành quân mau lẹ lắm. Để di chuyển nhanh nhất, anh nuôi phải vứt bỏ vung xoong đi vừa cho nhẹ vừa để hạn chế phát ra tiếng động. Đến lúc nấu cơm sôi lên, các anh sẽ dùng một chiếc túi bóng, nhúng nước rồi phủ lên bề mặt xoong cơm rồi lấy đá chẹn xung quanh”.

Còn người đồng ngũ với ông Mưu là Nguyễn Quang Thắng, hiện đang trú tại phố Nguyễn Hữu Huân (T.P Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đón tin chiến thắng trong trại phẫu thuật tiền phương. Lúc ấy, tôi đang nằm trị thương dưới hầm, nghe thấy tiếng súng nổ ngay trên mặt đất nghĩ là bị giặc tập kích. Vừa kịp nhảy khỏi giường theo phản xạ thì ông Trạm trưởng lao vào như một cơn gió hô: Thắng rồi các đồng chí ơi, quân ta thắng rồi các đồng chí ơi! Hóa ra sướng quá nên ông ấy bắn súng ăn mừng”.

Qua câu chuyện của 2 ông kể lại thì tinh thần “thần tốc” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ có trong hành quân mà nằm cả trong cách đánh. Những trận đánh mục tiêu các ông từng tham gia đều có trinh sát đi trước khảo sát. Còn trong chiến dịch cuối cùng này thì không thể. Lệnh truyền xuống “Chiến dịch Hồ Chí Minh là thần tốc, thần tốc hơn nữa, một ngày bằng 20 năm nên không còn đủ thời gian nghiên cứu hay tập nữa mà chúng ta đi đến đâu đánh đến đó”.

Ông Thắng hồi tưởng: “Bước vào chiến dịch, chúng tôi hành quân từ Campuchia về Long An. Đơn vị nhận nhiệm vụ cơ động thần tốc vào Sài Gòn, chiếm cầu Bến Lức (Long An) không cho địch phá cầu để xe tăng quân ta tiến qua; đồng thời chia cắt lộ 4 để cô lập Sài Gòn với 6 tỉnh miền Tây. Nhưng từ Long An hành quân đi, đơn vị gặp một ấp chiến lược của địch là chi khu Trà Cao. Chúng tôi đánh suốt 2 ngày 3 đêm mới hoàn toàn làm chủ được khu vực này nhưng thương vong nhiều. Cơm nắm mang theo thiu hết, chưa kịp nghỉ thì nhận nhiệm vụ mới là tiếp tục tiến vào khu vực cầu Bến Lức. Trà Cao nhường lại cho đơn vị khác trấn giữ. Đường hành quân vào ban đêm cứ tối đen như mực, một toán trinh sát dẫn đi đường tắt. Tôi chỉ nghe thấy một tiếng rầm, khẩu AK trên tay rơi xuống. Tôi ngã sấp mặt xuống đất, tiếp đó một viên đạn bay găm trúng vào vai. Các mảnh lựu đạn găm khắp người tôi. Hôm đó là ngày 23/4/1975, tôi được cáng sang Campuchia về trại phẫu tiền phương của Sư đoàn 5”.

Rót thêm cho tôi một chén trà nóng hổi, cựu chiến binh Ngô Hồng Mưu chia sẻ: “Nếu hỏi chúng tôi nhớ gì nhất khi đi qua cuộc chiến, những kỷ niệm tôi vừa kể đúng là không thể nào quên, vẫn nhắc cho nhau nghe mỗi khi đơn vị có dịp gặp mặt. Nhưng điều găm vào lòng những người lính già chúng tôi đây, đeo đẳng trong từng nhịp thở lại là cái này". Nói đoạn, ông chìa ra cho tôi xem tập giấy dày ghi thông tin các liệt sĩ đã và chưa tìm thấy một cách tỉ mỉ nhất.

Với tâm niệm mình đang được sống cả phần đời của đồng đội nên nhiều người cựu chiến binh dù tuổi cao, sức yếu vẫn miệt mài với những chuyến "hành quân" về lại nơi mình đã từng qua để tìm đồng đội. Ông Ngô Hồng Mưu chậm rãi nói: Dù không có ai ra lệnh nhưng chúng tôi luôn coi đó luôn là một phần cuộc sống. Dù biết không thể nào tìm được hết hài cốt anh em nhưng chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để trả lời được nhiều nhất câu hỏi “Chú ơi! Bố cháu nằm đâu?” của con đồng đội mình.

Kim Ngân