Cập nhật: Thứ sáu 17/04/2020 - 09:02

Lệ thuộc vào ma tuý là một bệnh mãn tính của não bộ và cần một giải pháp điều trị rất lâu dài, toàn diện, kết hợp giữa dịch vụ y tế, xã hội với các hoạt động khác. Biện pháp mạnh cũng như các vấn đề về kỳ thị thường không có hiệu quả.

Hiện nay, theo báo cáo về tình hình ma tuý thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 450.000 người chết do các rối loạn liên quan đến vấn đề sử dụng ma túy. Theo ước tính từ các nghiên cứu gầy đây cho thấy, mặc dù các dịch vụ y tế và dịch vụ điều trị lệ thuộc ma tuý đóng vai trò quan trọng trong đẩy lùi nạn dịch ma túy, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu trên thế giới.

Liên Hợp Quốc nhận thấy cam kết mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể của Việt Nam trong công cuộc phòng chống. Tuy nhiên, theo bà Marie-Odile Emond, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), những người trẻ tuổi, thanh thiếu niên sử dụng ma tuý ngày càng nhiều. Điều quan trọng hiện nay là có giải pháp nâng cao biết cho thế hệ trẻ nhận thức được tác hại của việc sử dụng ma tuý và nói không với ma tuý. Để thực hiện công tác này cần sự tham gia của các bộ ban ngành của chính phủ, toàn thể cộng đồng xã hội, gia đình cùng vào chung tay vào cuộc nâng  cao nhận thức của người dân, đồng thời tiếp tục giúp đỡ những người đã bị lệ thuộc vào ma túy.

Nhấn mạnh thông điệp của Liên Hợp Quốc, đó là lệ thuộc vào ma tuý là một bệnh mãn tính của não bộ và cần một giải pháp điều trị rất lâu dài và toàn diện kết hợp giữa dịch vụ y tế, xã hội với các hoạt động khác, bà Marie-Odile Emond cho biết, cách tiếp cận phải thiết kế dựa trên bằng chứng. Biện pháp mạnh cũng như các vấn đề về kỳ thị thường không có hiệu quả, do vậy, chúng ta nên có hoạt động chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội để dễ tiếp cận và đảm bảo quyền con người đối với người sử dụng ma tuý.

Theo Bộ Công an, Cơ quan thường trực phòng chống ma tuý, nhận thức được vai trò quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, trong nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh, kiên quyết loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy rất lớn, bắt nhiều đối tượng cầm đầu, được các lực lượng phòng, chống ma túy trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào các đối tượng cụ thể, hiệu quả và chất lượng hơn. Nhận thức về tác hại của ma túy và trách nhiệm phòng, chống ma túy của cán bộ, nhân dân được nâng lên.

Công tác phòng, chống ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung, biên giới Tây Nam, các sân bay quốc tế, cảng biển. Nhờ đó, nhiều địa bàn ma túy phức tạp dần được chuyển hóa, kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới; diện tích trồng cây có chứa chất ma túy hiện giữ ở mức thấp; công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, lượng ma túy từ nước ngoài vận chuyển vào nước ta vẫn còn nhiều, số người nghiện vẫn tiếp tục gia tăng; số người người dân đã cai nghiện tỷ lệ tái nghiện cao. Gần đây, xuất hiện tình trạng người nghiện, người sử dụng ma túy lang thang ngoài xã hội, gây ra các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

T.H
Biên soạn