Cập nhật: Thứ ba 28/04/2020 - 11:24

Ngày 24/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 để Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải nội dung Chỉ thị này:

Thực hiện Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 tại Quyết định số 4070/QĐ-UBND ngày 18/12/2019.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đầu tư:

- Rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân... để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.

- Tăng cường phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm.

- Không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời phải tự cân đối nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng. Không khởi công mới dự án trong năm 2020 khi chưa cân đối đủ vốn cho các dự án, công trình đang triển khai thực hiện mà chưa bố trí đủ vốn.

- Báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày cuối tháng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2020, gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 05 của tháng tiếp theo để làm cơ sở đánh giá kết quả giải ngân và xem xét, bố trí kế hoạch vốn các đợt trong năm.

- Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Triển khai, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan.

- Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên và giao nhiệm vụ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công cấp tỉnh quản lý giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổng hợp báo cáo của các đơn vị, báo cáo UBND tỉnh tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng tháng, kịp thời tham mưu phương án để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

- Theo dõi tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, các dự án chuyển tiếp đến ngày 30/6/2020 chưa thực hiện giải ngân, các dự án khởi công mới năm 2020 đến ngày 30/6/2020 chưa tổ chức đấu thầu; tất cả các dự án đến ngày 30/9/2020 giải ngân đạt tỷ lệ dưới 50%; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chuyển vốn đã giao năm 2020 sang dự án, công trình khác còn kế hoạch vốn trung hạn, có nhu cầu bổ sung vốn đầu tư, có tỷ lệ giải ngân cao đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.

- Không bố trí vốn cho các dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (trừ vốn chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

- Tổng hợp nhu cầu bổ sung nguồn vốn Trung ương (vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA do Trung ương cấp phát) do các cơ quan, đơn vị đề xuất để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những tồn tại hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, đấu thầu và pháp luật khác có liên quan, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Tổng hợp danh sách các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hàng tháng, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.

3. Sở Tài chính:

- Khẩn trương nhập dự toán chi vào Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và kho bạc (TABMIS) ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công.

- Đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành kịp thời, đầy đủ nội dung theo quy định; hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành; tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đầy đủ nội dung theo quy định.

- Tổng hợp danh sách các chủ đầu tư có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán quá 12 tháng, quá 24 tháng tính đến ngày 31/12/2019, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.

4. Kho bạc Nhà nước tỉnh:

- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các địa phương thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian ngắn nhất; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.

- Trước ngày 05 hàng tháng, thông báo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cho các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo danh mục các dự án chuyển tiếp đến ngày 30/6/2020 chưa thực hiện giải ngân; tất cả các dự án đến ngày 30/9/2020 giải ngân đạt tỷ lệ dưới 50% (phân theo cơ quan chủ quản và chủ đầu tư) báo cáo UBND tỉnh trước ngày 05/7/2020 và trước ngày 05/10/2020.

5. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công:

- Tính đến ngày 30/6/2020, chủ đầu tư, đơn vị thực hiện các dự án chuyển tiếp chưa thực hiện giải ngân, các dự án khởi công mới năm 2020 đến ngày 30/6/2020 chưa tổ chức đấu thầu phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).

- Không giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 2021 - 2025 đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị để xảy ra tồn tại, hạn chế sau:

+ Chủ đầu tư dự án chuyển tiếp đến ngày 30/6/2020 chưa thực hiện giải ngân;

+ Chủ đầu tư dự án khởi công mới năm 2020 đến ngày 30/6/2020 chưa tổ chức đấu thầu;

+ Chủ đầu tư dự án đến ngày 30/9/2020 giải ngân đạt tỷ lệ dưới 50%;

+ Chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán quá 12 tháng tính đến ngày 31/12/2019.

- Kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 được xem là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, địa phương và chủ đầu tư dự án trong năm.

- Xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

- Các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.

Yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, quý tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công theo đúng quy định, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2020./.

TNĐT