Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo báo nhanh tới các đại biểu về kết quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng trình bày dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều (giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật Bảo vệ môi trường 2014). Trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Nội dung dự thảo đã bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo hồ sơ dự án Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều nhiều ý kiến, kiến nghị bổ sung vào dự thảo Luật như: tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường; có thông tư liên ngành hướng dẫn địa phương về hoạt động khai thác khoáng sản để vừa đảm bảo môi trường vừa phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường hoạt động thanh tra, xử lý hoạt động xả thái trái phép ra nguồn nước; thay đổi nội dung trong một số mục đảm bảo thống thất; thẩm định báo cáo tác động môi trường cần đảm bảo khách quan; xung quanh vấn đề về đánh giá tác động môi trường, cần làm rõ và thống nhất vấn đề quản lý Nhà nước…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh gia cao những ý kiến, góp ý của các đại biểu để bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.