P.V: Thưa ông, thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID vừa qua, hoạt động của Bộ phận "Một cửa" các cấp, ngành bị ảnh hưởng ra sao?
Ông Nguyễn Bá Chính: Khi thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động của Bộ phận “Một cửa” các cấp, ngành có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều bởi thời gian này, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân ít hơn bình thường. Để việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cấp thiết cho người dân không bị ách tắc, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích (điều này cũng giúp nhiều người dân và cán bộ quen dần và nhận rõ sự tiện lợi của việc giao dịch điện tử, góp phần từng bước hiện thực hóa “chính quyền điện tử”). Trong khi đó, Bộ phận “Một cửa” các cấp, ngành vẫn cử bộ phận thường trực để giải quyết những việc cấp thiết.
Ngay sau thời gian giãn cách, Bộ phận “Một cửa” các cấp, ngành đã trở lại hoạt động bình thường.
P.V: Theo đánh giá của đa số người dân thì việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, hoạt động của Bộ phận “Một cửa” trên địa bàn tỉnh đang cho thấy sự hiệu quả, thuận tiện. Ông hãy nói rõ hơn về điều này.
Ông Nguyễn Bá Chính: Khi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện; kịp thời công bố danh mục TTHC thực hiện tại Bộ phận “Một cửa” và ban hành Quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC.
Vì vậy, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC đã được các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Bộ phận “Một cửa” các cấp, ngành được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm đồng bộ, từng bước hiện đại. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại đây thường xuyên được kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, tuyệt đại đa số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng thời hạn, đảm bảo quy định, tạo sự thuận tiện, hài lòng cho người dân.
P.V: Vậy còn tồn tại, khó khăn không, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: Vẫn còn. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng cơ sở vật chất của Bộ phận “Một cửa” cấp xã một số nơi chưa đảm bảo diện tích, trang thiết bị; trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế hoặc
được bố trí không đúng chuyên môn. Đây đó vẫn có những hiện tượng được người dân, báo chí phản ánh như người đứng đầu chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong giải quyết TTHC; cán bộ có biểu hiện gây phiền hà, thái độ, tác phong chưa đúng với dân…
P.V: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, theo ông những giải pháp gì là quan trọng?
Ông Nguyễn Bá Chính: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Bộ phận “Một cửa”; quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giải quyết TTHC theo hướng giỏi một việc, biết nhiều việc.
Tôi cho rằng, việc kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất hoạt động của Bộ phận “Một cửa” và công tác giải quyết TTHC là giải pháp quan trọng, bởi sẽ giúp cấp có thẩm quyền kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế, vi phạm để xử lý hoặc nhắc nhở, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung.
P.V: Mới đây, Báo Thái Nguyên phản ánh việc Bộ phận Một cửa phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) đóng cửa trong giờ hành chính mà không thông báo khiến người dân phải chờ đợi, bức xúc. Ông có ý kiến gì về sự việc này?
Ông Nguyễn Bá Chính: Nếu đúng như Báo nêu thì đây là sự việc cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm chung. Trừ tình huống bất khả kháng, nếu cán bộ, công chức Bộ phận “Một cửa” có việc quan trọng khác trong thời gian nhất định thì cũng cần bố trí ít nhất một người trực, hoặc thông báo rõ để người dân biết. Đó là cách giải quyết linh hoạt, là văn hóa phục vụ và tôn trọng nhân dân. Nghị định số 61/NĐCP nêu nguyên tắc: Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; giải quyết TTHC đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện...
P.V: Xin cảm ơn ông!