Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Vũ Văn Tư, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương là 1 trong những trang trại đầu tiên của huyện Phú Bình được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2017. Trang trại này được ông Tư xây cách xa nhà ở của gia đình và các nhà dân khác, xung quanh trồng nhiều cây xanh. Ông Tư cho biết: Tôi đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, xây thêm bể biogas 40m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã khảo sát điều kiện ban đầu, lấy mẫu nước và thức ăn chăn nuôi; đào tạo kiến thức về chăn nuôi VietGAP, ban hành biểu mẫu ghi chép, xây dựng và ban hành hệ thống quản lý, đánh giá nội bộ, cuối cùng là lấy mẫu nước tiểu động vật. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chuồng trại, nguồn nước, chất lượng con giống; ghi chép cẩn thận sổ theo dõi chế độ chăm sóc, thức ăn, lịch tiêm phòng vắc xin… nên qua nhiều đợt lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng, trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận.
Cũng áp dụng quy trình VietGAP nhưng anh Nguyễn Đắc Phúc, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim lại lựa chọn chăn nuôi gà. Theo anh Phúc: Trang trại tôi nuôi, trung bình 1-1,4 vạn con gà/năm. Bắt đầu áp dụng quy trình này từ tháng 3-2019, đến cuối năm thì trang trại tôi được cấp giấy chứng nhận. Chăn nuôi VietGAP, ngoài việc đàn gà phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh thì tôi thấy giảm được từ 3-4 triệu đồng tiền cám/1.000 con/lứa, 4-5 triệu đồng tiền thuốc thú y do sử dụng các chế phẩm sinh học.
Chăn nuôi theo quy trình VietGAP là áp dụng những nguyên tắc, trình tự, thủ tục vào chăn nuôi nhằm đảm bảo vật nuôi được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Hiện nay, toàn huyện Phú Bình có 23 trang trại chăn nuôi VietGAP (tăng 13 trang trại so với năm 2017), còn 4 trang trại khác đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm định. Những năm qua, để khuyến khích người dân áp dụng quy trình này vào chăn nuôi, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình triển khai.
Theo ông Phạm Đăng Ninh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình: Hiện nay, mới chỉ có 5% sản phẩm của các trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP được các trường học mầm non, bếp ăn bán trú trên địa bàn ký hợp đồng tiêu thụ, số còn lại chủ yếu được bán tại các chợ. Tuy nhiên, với những lợi ích, hiệu quả của quy trình chăn nuôi này mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân nhằm nhân rộng các mô hình, xây dựng nguồn cung ổn định, tạo chuỗi liên kết, dần hình thành sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm vào các siêu thị, dán tem truy xuất nguồn gốc, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.