Dẫn chúng tôi thăm công trình Nhà văn hóa, ông Lê Danh Chung, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Trung Kiên, xã Trung Hội, tự hào: Đây là công trình có dấu ấn lớn của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của xóm. Công trình có diện tích xây dựng 202m2, kinh phí hơn 600 triệu đồng. Ngay từ khi lập dự toán thiết kế đến triển khai thi công, chúng tôi đều phân công thành viên đôn đốc, giám sát cẩn thận về vật liệu và kỹ thuật; yêu cầu điều chỉnh ngay khi có thiếu sót. Nhờ đó, công trình đảm bảo chất lượng, khi tiến hành quyết toán, bà con đồng thuận cao.
Ông Lưu Quang Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Hội nhận định: Công trình Nhà văn hóa xóm Trung Kiên có thể coi là điểm nhấn trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ cùng các đoàn thể ở xã. Bình quân mỗi năm, chúng tôi tổ chức 3-5 cuộc giám sát chuyên đề về thu chi các loại quỹ ở xóm, việc thực hiện quy chế dân chủ, các công trình hạ tầng nông thôn… Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận thì kết quả này chưa đạt so với yêu cầu; nội dung phản biện xã hội còn mờ nhạt.
Theo quy định, đối tượng giám sát của MTTQ là tất cả cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, đảng viên. Nội dung giám sát gồm dự thảo nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri… Ngoài ra, MTTQ còn giám sát độc lập thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở thôn, xóm. Kết quả mới chỉ thực hiện được một phần so với quy định, nguyên nhân do công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ; nhiều cuộc họp của Đảng ủy, HĐND và UBND cùng cấp không có thành phần là MTTQ hoặc có họp nhưng hạn chế thời gian nghiên cứu nên không hiểu tường tận vấn đề giám sát…
Đồng tình với quan điểm nói trên, ông Nông Quốc Chấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đồng Thịnh cho rằng: Mặc dù công tác giám sát và phản biện xã hội đã được quan tâm, đạt được kết quả nhất định nhưng nhìn chung còn mờ nhạt. Đồng Thịnh chưa tổ chức được riêng một hội nghị chuyên đề về phản biện; các nội dung đóng góp cũng hạn chế. Điều này xuất phát từ 2 lý do chính. Thứ nhất là Đảng ủy, HĐND và UBND khi cung cấp các văn bản, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thường muộn, không đủ thời gian để nghiên cứu, thường chỉ có người đại diện đóng góp ý kiến. Thứ hai là trình độ của cán bộ cơ sở còn hạn chế, trong khi lĩnh vực giám sát và phản biện xã hội theo quy định lại rất rộng.
Theo báo cáo, năm 2019, Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa thực hiện 2 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện quy định pháp luật giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm; MTTQ các xã, thị trấn chủ trì, phối hợp tổ chức 76 cuộc về việc thực hiện các quy định cải cách hành chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm đường giao thông… Đồng thời, tham gia góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm của các cấp. ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa cho rằng: Bên cạch những kết quả tích cực, hạn chế của công tác giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn là: Việc phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể và các ngành trong triển khai thực hiện chưa rõ nét; chưa tổ chức được hội nghị riêng tham gia góp ý phản biện; nội dung giám sát chưa trọng tâm… Xét về nguyên nhân, bên cạnh “rào cản” là năng lực cán bộ, việc phối hợp chưa thực sự chặt chẽ thì còn lý do từ cơ chế. Đó là một số nội dung MTTQ chưa được tham gia giám sát hoặc ý kiến sau giám sát, phản biện xã hội chuyển đến cơ quan chức năng chậm, thậm chí không có hồi âm. Kinh phí dành cho giám sát và phản biện xã hội, các ban thanh tra nhân dân, ban đầu tư giám sát cộng đồng còn hạn chế. Do đó, bên cạnh nỗ lực của MTTQ các cấp thì các nội dung liên quan đến chính sách, cơ chế phối hợp cũng cần thay đổi phù hợp, từ đó từng bước nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên.