P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết những điểm nổi bật trong việc thực hiện các chỉ tiêu thành phần PCI của tỉnh năm 2019?
Đồng chí Lê Quang Tiến: Báo cáo PCI 2019 đánh dấu hành trình 15 năm VCCI và USAID hợp tác cùng xây dựng, thực hiện sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Với vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành, Thái Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh xếp hạng tốt. Đây cũng là năm tỉnh ta đạt tổng điểm cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, có 9/10 chỉ số thành phần của tỉnh tăng điểm. Trong đó, chỉ số có điểm cao nhất là đào tạo lao động với 7,88 điểm; tiếp đến là gia nhập thị trường 7,36 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,13 điểm. Các chỉ số còn lại đều đạt trên 6 điểm. Duy nhất chỉ số tiếp cận đất đai giảm 0,3 điểm, đạt 6,07 điểm.
P.V: Để có được kết quả này, những giải pháp nào đã được tỉnh quyết liệt triển khai trong năm qua, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quang Tiến: Sau 2 năm (2017 và 2018) liên tiếp bị tụt hạng, tỉnh ta đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhằm hấp dẫn hơn nữa các nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các Kế hoạch để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập DN; nâng cao hiệu quả các hoạt động liên quan đến đất đai; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin nhất là quy hoạch, thông tin về các dự án đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN…
P.V: Từ kết quả trong thực hiện cải thiện chỉ số PCI, đồng chí có thể cho biết những tác động trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua?
Đồng chí Lê Quang Tiến: Thực tế cho thấy, địa phương nào có kết quả PCI tốt sẽ ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư và từ đó sẽ giúp việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trở nên thuận lợi. Đối với Thái Nguyên, chỉ tính riêng năm 2019, đã thành lập mới trên 600 DN; cấp mới 18 dự án (FDI). Lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 6.800 DN và 145 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 8,3 tỷ USD. Kết quả này đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt 9%, duy trì ở vị trí nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; thu ngân sách đạt 15.631 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 83,5 triệu đồng; giá trị xuất khẩu đạt 27,63 tỷ USD...
P.V: Nếu nhìn lại chỉ số PCI năm 2015 và 2016 với việc Thái Nguyên đều đứng trong top 10 cả nước thì hẳn vẫn còn nhiều việc phía trước mà tỉnh ta cần thực hiện trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Quang Tiến: Tỉnh Thái Nguyên năm 2015 và 2016 đều xếp thứ 7 toàn quốc nhưng tổng điểm chỉ đạt tương ứng là 61,21 và 61,82 điểm. Trong khi đó, năm 2019, tỉnh trung vị có điểm số PCI gốc đã đạt tới 63,25 điểm. Điều này cho thấy, các tỉnh đều đang rất nỗ lực trong việc cải thiện trong từng chỉ số. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, điều này càng đòi hỏi Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy các sáng kiến để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển. Trong đó sẽ đặc biệt chú trọng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ và giải pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!