“Tiên Phong là vùng đất giàu truyền thống, quê hương của Lý Nam Đế - vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và là an toàn khu 2 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy vậy, Tiên Phong cũng được biết đến là một xã thuần nông, mức sống của người dân chưa cao”. - Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Văn Giáp bắt đầu câu chuyện với chúng tôi đầy trăn trở.
Để Tiên Phong không thụt lùi trong bức tranh phát triển sôi động chung của T.X Phổ Yên, Đảng bộ xã đã xây dựng nội dung nghị quyết chỉ đạo toàn diện, trong đó xác định phát triển hạ tầng giao thông và tiểu thủ công nghiệp là những lĩnh vực đột phá, tạo tiền đề từng bước thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiên Phong có sự thay đổi lớn về hạ tầng giao thông. Tuyến đường qua trung tâm xã, đường liên xóm, thậm chí liên gia đều cơ bản được trải nhựa hoặc đổ bê tông. Đảng bộ xã đặt mục tiêu xây dựng 10km đường trong cả nhiệm kỳ nhưng thực tế địa phương đã làm được tới 60km. Bí thư Đảng ủy xã giải thích: Chúng tôi không chọn chỉ tiêu thấp để làm đẹp kết quả. Mục tiêu đó phù hợp với thực tế và nguồn lực ở thời điểm đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương được ưu tiên đầu tư để về đích nông thôn mới; mỗi hộ dân cũng rất chủ động, trách nhiệm đối ứng tiền và ngày công để làm đường giao thông nông thôn.
Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ xã, mỗi thôn, xóm ở Tiên Phong lại có cách triển khai phù hợp. Thôn Bình Tiến là ví dụ tiêu biểu. Với 2 xóm trực thuộc là Hòa Bình và Quyết Tiến, từ năm 2018 tới nay, thôn đổ bê tông được khoảng 4km đường, người dân hiến gần 5.000m2 đất. Bí thư Chi bộ thôn, ông Hà Văn Tư chia sẻ: Chi bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, đánh giá đúng và có giải pháp phù hợp thực tế. Ở Bình Tiến, cơ bản các tuyến trục chính đã hoàn thiện, chỉ còn đường ngõ, liên gia và nội đồng. Chi bộ chia thôn thành các nhóm hộ, mỗi khu vực bầu ra một trưởng nhóm phụ trách chung, thống nhất phương án về thời gian, thiết kế và kinh phí thi công; chủ động giải phóng mặt bằng. Đảng viên ở từng nhóm có trách nhiệm phối hợp giám sát, đôn đốc công việc. Nhờ đó tiến độ và chất lượng từng công trình đảm bảo.
Ngoài ra, tiểu thủ công nghiệp được xác định là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân ở Tiên Phong. Địa phương có lợi thế sớm hình thành 3 làng nghề là Giã Trung, Thù Lâm và Hảo Sơn, với hơn 500 cơ sở hoạt động tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thu hút hàng nghìn lao động. Cơ chế và các điều kiện thuận lợi nhất được triển khai để người dân phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ vay vốn tín dụng và thiết bị máy móc. Nhiệm kỳ vừa qua, Tiên Phong đã lập quy hoạch khu dân cư đường tránh chợ Cầu Gồ để tạo thuận lợi đất dịch vụ và sản xuất tại Làng nghề Giã Trung; quy hoạch khu sản xuất gỗ mỹ nghệ tại thôn Giã Trung, Nguyễn Hậu và Thù Lâm với diện tích 6ha; phối hợp với Hiệp hội Làng nghề tỉnh hỗ trợ 220 triệu đồng cho 4 hộ dân Làng nghề Giã Trung mua máy chế biến gỗ.
Ông Hoàng Văn Hòa, Bí thư Chi bộ Thù Lâm nói: Từ sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng ủy và các chương trình hỗ trợ, nhiều hộ ở Thù Lâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn do thị trường biến động và ổn định sản xuất. Hiện, thôn có 40 hộ làm đồ gỗ mỹ nghệ và gần 100 hộ sản xuất mây tre đan, thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với cấy lúa. Kết thúc nhiệm kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Tiên Phong đạt 457 tỷ đồng, bằng 304,8% chỉ tiêu nghị quyết.
Ngoài 2 đột phá nói trên, Tiên Phong cũng hoàn thành và hoàn thành vượt 10 chỉ tiêu còn lại của nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Đó sẽ là tiền đề vững chắc để địa phương giàu truyền thống cách mạng này có bước phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.