Không dừng lại ở đó, tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 13,9% năm 2019; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 21% xuống còn 20,9%. Ngoài ra, năm 2019, đã có 36,4% số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh và 89,2% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh. Đáng nói là năm qua, cũng đã có 44% người cao tuổi trong tỉnh được khám sức khỏe và lập hồ sơ theo dõi.
Mặc dù đã đạt được những kết quả như vậy, góp phần nâng cao chất lượng dân số nhưng theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh thì: Tuổi thọ bình quân của tỉnh khá cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp; người cao tuổi thường mắc từ 2 đến 4 bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, trẻ được khám sàng lọc sơ sinh chưa cao; khám sàng lọc trước sinh chủ yếu dừng ở việc siêu âm hình thái thai nhi chứ chưa làm được các xét nghiệm cho bà mẹ.
Bởi vậy, để nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này vẫn được các cấp, ngành chức năng xem trọng. Trong đó, nội dung tuyên truyền trọng tâm tập trung vào tầm quan trọng của khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh và đặc biệt là thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đây là yếu tố quan trọng giúp các cặp vợ chồng có điều kiện chăm sóc, để những đứa con phát triển ở mức tốt nhất; là cơ sở để xây dựng và hình thành mạng lưới an sinh xã hội phù hợp.
Cùng với đó, tỉnh tập trung mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh cho mọi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục, thể thao, rèn luyện, nâng cao sức khỏe; các chương trình dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể thực, tầm vóc người Việt Nam.
Ông Hà Đức Hiệu, 75 tuổi, ở tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, việc phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng theo những cấp độ khác cũng nên được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm. Nhất là việc mở rộng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà và cộng đồng thông qua mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên và nhân viên chăm sóc được đào tạo.
Không chỉ đồng quan điểm với ông Hiệu, nhiều chuyên gia về công tác này còn cho rằng, tỉnh nên khuyến khích thành lập đơn nguyên Lão khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế lão khoa tại các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Theo đó, xây dựng mạng lưới chuyên ngành lão khoa theo nguyên tắc gắn kết, dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ cho người cao tuổi…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nói: Trên thực tế, nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Cùng với đó, ngành Y tế Thái Nguyên mong muốn việc cấp Trung ương tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật để nâng cao chất lượng dân số; xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm là chất lượng và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực...