Cùng với các cán bộ xã Vô Tranh, chúng tôi đến thăm nương chè của gia đình anh Nguyễn Văn Hà, ở xóm Trung Thành 1, để “mục sở thị” hệ thống tưới nước điều khiển từ xa cho chè. Dù đứng cách nương chè gần 200m nhưng anh Hà chỉ mất vài giây thao tác trên chiếc máy điều khiển là hệ thống tưới đã tự động hoạt động. Anh Hà chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi phải tưới bằng vòi nước rất mất thời gian và tốn công. Cuối năm 2017, sau khi tham quan gian hàng trưng bày công nghệ sử dụng trong sản xuất, chế biến chè tại Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương, tôi biết đến hệ thống tưới chè tự động bằng điều khiển từ xa và đề đạt nguyện vọng xin được hỗ trợ với UBNND xã Vô Tranh. Sau đó, tôi đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để lắp đặt hệ thống. Từ khi có hệ thống, việc tưới chè được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn. Với hệ thống này, tôi chỉ mất 1 giờ đồng hồ để tưới xong 6 sào chè, thay vì 4 giờ như trước kia. Năng suất chè cũng tăng cao hơn so với tưới bằng tay, đạt bình quân đạt khoảng 26kg chè búp khô/sào/lứa (tăng khoảng 4kg).
Không chỉ nhà anh Nguyễn Văn Hà, trong những năm qua, huyện Phú Lương đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho nhiều hộ dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho các hộ sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây chè. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ vật tư cho 107 hệ thống tưới tiết kiệm quy mô từ 0,3 đến 0,5ha; 5 máy sao chè bằng gas; 319 bộ tôn sao chè bằng inox; hỗ trợ trên 2 nghìn tấn phân hữu cơ vi sinh cho các xóm sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP… với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện. Đến nay, số hộ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất trong toàn huyện tăng 20-30% (so với năm 2015); số hộ ứng dụng công nghệ tưới chè hiện đại chiếm 60-70%…
Anh Nguyễn Văn Hà, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) sử dụng hệ thống tưới nước điều khiển từ xa trên nương chè.
Bên cạnh cây trồng mũi nhọn là cây chè, để thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Phú Lương cũng chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị triển khai thí điểm các dự án, mô hình trình diễn, khảo nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới. Song song với đó, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân. Từ năm 2016 đến nay, hàng năm, huyện tổ chức được 150 lớp tập huấn về KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… cho trên 6 nghìn lượt người; 12 hội thảo đầu bờ về các giống lúa mới… Trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai 15 mô hình ô mẫu thí điểm các giống lúa lai, lúa thuần mới với diện tích khoảng 30,8ha… Thông qua chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con về ứng dụng tiến bộ KHKT trong nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng xóm Làng Bò, xã Phấn Mễ chia sẻ: Xóm tôi thường xuyên được lựa chọn tham gia thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa. Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ giống, phân vi sinh, phổ biến kiến thức về giống lúa mới, quy trình gieo cấy đúng kỹ thuật. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng lúa cũng tăng lên.
Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Lương đã có nhiều bước tiến quan trọng, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Năm 2019, giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 88 triệu đồng (cao hơn 12,7 triệu đồng so với năm 2015); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 100 triệu đồng so với năm 2015)…
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt tập trung vào chế biến, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại... Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao…