Cập nhật: Chủ nhật 12/07/2020 - 16:14
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên phối hợp với Công ty CP Đại Thành tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay đối với 20ha lúa ở xóm Dương, xã Đắc Sơn.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên phối hợp với Công ty CP Đại Thành tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay đối với 20ha lúa ở xóm Dương, xã Đắc Sơn.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên những năm gần đây bị thu hẹp để phục vụ các dự án, song hằng năm, sản lượng lương thực của địa phương không ngừng tăng lên. Có được kết quả này, ngoài việc tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, Thị xã đã khuyến khích nông dân đưa các giống lúa, ngô cho năng suất cao vào gieo trồng, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

 Hiện nay, T.X Phổ Yên có hơn 7.600ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích cấy lúa khoảng 5.000ha (giảm gần 500ha so với năm 2015), còn lại là diện tích trồng hoa màu các loại. Xác định cây lúa giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng lương thực, do vậy, thay đổi cơ cấu mùa vụ là việc làm đầu tiên được thực hiện để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Nếu như trước đây ở vụ mùa, người dân chủ yếu cấy lúa muộn thì đến nay, 98% diện tích là trà mùa sớm; vụ xuân được đẩy lùi lại với 99% trà xuân muộn. Nhờ đó, bà con có thời gian chuẩn bị các điều kiện, mở rộng sản xuất vụ đông với các cây trồng như: ngô, đỗ tương, lạc... góp phần đưa tổng sản lượng lương thực từ 59 nghìn tấn (năm 2017) lên 60 nghìn tấn (năm 2019).

Điểm nổi bật trong sản xuất lúa ở Phổ Yên những năm gần đây đó là trong cơ cấu giống, lúa thuần chất lượng cao chiếm 75-80%, còn lại là các giống lúa lai. Đơn cử như vụ mùa năm 2020, trong tổng số hơn 5.000ha chỉ có khoảng 2.000ha lúa lai còn lại là lúa thuần chất lượng cao với các giống: Thiên ưu 8, HT-6, Kim cương 111, Hương thơm Kinh Bắc, TBR 225... Đây là những giống lúa đã qua khảo nghiệm, có nhiều ưu điểm, gieo cấy được trong cả vụ xuân và vụ mùa. Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, trước mỗi vụ gieo cấy, Thị xã đều gửi cơ cấu giống về các xã, phường để phổ biến đến nhân dân; khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống nằm trong cơ cấu giống của tỉnh và Thị xã, mua giống ở những cơ sở có uy tín để tránh rủi ro sau này.

Cùng với việc lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, hiệu quả, vào mỗi vụ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thị xã đã phối hợp với một số công ty cung ứng giống thực hiện 5-10 mô hình trình diễn một số giống mới; triển khai cánh đồng một giống lúa lai cho năng suất cao, quy mô 30-50ha để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thủy, ở xóm Hương Đình 2, xã Tân Hương cho biết: Tham gia các mô hình trình diễn đã giúp người dân chúng tôi được tiếp cận với các giống lúa mới với phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI). Nhờ đó, năng suất lúa bình quân tăng từ 50 tạ/ha (năm 2016) lên 55 tạ/ha (năm 2019).

Cùng với cây lúa, diện tích ngô hằng năm được duy trì ổn định với hơn 2.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tiên Phong, Tân Phú, Đông Cao... với các giống ngô lai như: LVN4, LVN99, GS9989, B265, HN8... Với phương pháp làm bầu trước khi đưa ra trồng ngoài đồng; thay đổi mật độ trồng; điều chỉnh hướng lá ngay khi xuống giống đã giúp cây ngô phát triển thuận lợi... Năm 2019, năng suất ngô đạt khoảng 50 tạ/ha, cao hơn phương pháp cũ hơn 10 tạ/ha, giá trị thu nhập từ cây ngô tăng 10-12 triệu đồng/ha/vụ. Theo đánh giá của các hộ dân, trồng ngô lai tuy chi phí về giống cao nhưng năng suất đạt cao hơn hẳn giống cũ, đầu ra ổn định hơn.

Bên cạnh việc lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, yếu tố then chốt góp phần đưa sản lượng lương thực của T.X Phổ Yên tăng cao đó là việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Điển hình là việc đưa công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay có điều khiển từ xa vào sản xuất lúa tại các xã có diện tích lớn, tập trung như: Đông Cao, Thành Công, Tiên Phong, Tân Hương, Đắc Sơn... Theo bà Ngô Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên, phun thuốc bằng thiết bị bay chi phí thấp, khoảng 45 nghìn đồng/sào (phương pháp cũ hết hơn 50 nghìn đồng); trong gần 2 giờ phun được 5ha lúa (phương pháp cũ phải mất 5 ngày). Đặc biệt, phương pháp này an toàn hơn với con người, thuốc bảo vệ thực vật được phun từ trên cao xuống sẽ đều, phủ kín, hiệu quả cao hơn. Đây được coi là bước tiến mới trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung tại địa phương.

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự sát sao của ngành nông nghiệp, sản lượng lương thực của T.X Phổ Yên qua các năm được duy trì ổn định, an ninh lương thực đảm bảo. Góp phần đưa giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng (tăng 6,2 triệu đồng so với năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2020, hiện nay, Thị xã đang tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho diện tích lúa vụ mùa; tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi cho các hộ nông dân; chuẩn bị đầy đủ giống cây trồng, vật tư phân bón các loại phục vụ cho sản xuất vụ đông cụ thể là giống ngô lai, lạc, đỗ tương…

Trịnh Phương