Trên địa bàn tỉnh có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 49 triệu tấn tại 42 điểm mỏ, sản lượng đã khai thác là 9,42 triệu tấn. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là địa phương có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) với khoảng 15 triệu tấn than mỡ, 90 triệu tấn than đá (với các mỏ điển hình như Khánh Hòa, Núi Hồng, Phấn Mễ…). Tỉnh cũng có nhiều loại kim loại màu và quặng đa kim (chì, kẽm, thiếc, vonfram, vàng, titan…), các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn và phân bố rộng rãi.
Trên cơ sở đó, nhiều điểm mỏ đã đươc thăm dò, cấp phép khai thác, hoạt động chế biến sâu khoáng sản ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài Nhà nước tham gia, tạo thêm nguồn thu đáng kể cho ngân sách và nhiều việc làm cho lao động địa phương. Cùng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, các DN tiêu biểu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có thể kể đến như: Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long, Công ty CP Khoáng sản An Khánh, Công ty CP Kim Sơn… Các mỏ than lớn cũng đã được thăm dò, cấp phép khai thác từ lâu, là nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng cho các nhà máy sản xuất gang thép, xi măng, nhiệt điện trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn có từ khá sớm với nhiều dự án, doanh nghiệp (DN) có tên tuổi như đã nêu, nhưng từ thực tế cho thấy tiềm năng để tỉnh tiếp tục phát triển ngành này hiện còn rất lớn. Tuy vậy, ngoại trừ một số ít DN đã đầu tư công nghệ hiện đại và tiêu thụ sản phẩm tốt (như Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo) thì đa phần còn lại đang gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân chủ yếu như: dây chuyền thiết bị, kỹ thuật khai thác, chế biến khoáng sản lạc hậu; chi phí phát sinh lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh; thị trường tiêu thụ khó khăn; một số DN chế biến sâu khoáng sản bị thiếu nguyên liệu sản xuất…
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ thiếu quặng nguyên liệu trầm trọng.
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (trụ sở tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) là một ví dụ. Từ hoạt động khai thác quặng sắt đơn thuần ban đầu, năm 2010, DN này xây dựng nhà máy luyện thép, đến năm 2017 tiếp tục đầu tư khoảng 600 tỷ đồng lắp đặt 3 dây chuyền sản xuất gang thỏi và phôi thép với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2019, khi các dây chuyền mới của Công ty đi vào hoạt động cũng là lúc thị trường thép trong nước và thế giới có nhiều biến động theo hướng bất lợi (giá thép giảm sâu, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt). Cùng với đó, Công ty luôn trong trạng thái thấp thỏm lo thiếu nguyên liệu, sản lượng quặng tự khai thác chỉ đảm bảo được khoảng 30% nhu cầu, đang phải chủ yếu dùng nguồn quặng dự trữ. Theo ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên: DN chưa được tỉnh cấp các mỏ quặng theo đề xuất mà chỉ được cấp các điểm mỏ tận thu của Mỏ sắt Trại Cau, còn trữ lượng thấp và phẩm cấp quặng không đảm bảo.
Có một “nghịch lý” là trong khi Công ty CP Luyện kim đen thiếu nguyên liệu quặng để sản xuất thì Mỏ sắt Tiến Bộ thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, chỉ cách đó chưa đến 10km đường bộ lại đang tồn kho khoảng 60.000 tấn quặng, có nguy cơ phải cắt giảm, thậm chí dừng sản xuất. Một bên muốn bán, bên còn lại rất muốn mua nhưng bị vướng thủ tục pháp lý không thể tự giải quyết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều DN, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản khác cũng đều đang gặp khó khăn. Từ đầu tháng 5 vừa qua, Mỏ sắt Trại Cau đã phải tạm dừng hoạt động chủ yếu do chi phí sản xuất quá cao vì phải khắc phục những tác động tới môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực. Mỏ than Phấn Mễ mới đây cũng buộc phải dừng khai thác lộ thiên do chi phí lớn, giá thành cao hơn than nhập khẩu cùng chất lượng. Mỏ than Khánh Hòa (lớn nhất tỉnh) cũng đã và đang chật vật vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từng có năm lỗ hàng chục tỷ đồng. Một số điểm mỏ sau khi được cấp phép, DN đã tiến hành khai thác nhưng nay đang hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm dừng. Mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng theo ông Đỗ Huy Cương, Phó phòng Kỹ thuật - An toàn - Môi trường (Sở Công Thương), số lượng DN, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tại tỉnh chắc chắn giảm so với vài năm trước.
Nguyên lý trong lĩnh vực khai khoáng là thường càng về sau việc khai thác càng khó khăn, tốn kém do những vị trí thuận lợi hơn được tiến hành trước. Điều đó cùng với những khó khăn, thách thức như đã nêu đòi hỏi các DN, cơ sở cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật để tối ưu hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Việc một số DN chế biến sâu đặt ngay tại vùng quặng nhưng vẫn “đói” nguyên liệu là thực trạng cần các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ. Xét về lâu dài, lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản cần có chiến lược, kế hoạch phù hợp để nguồn tài nguyên này phát huy tốt tiềm năng, tránh lãng phí và nhanh cạn kiệt; khai thác hạn chế ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo sự bền vững.