Chỉ có khoảng 0,5ha đất đồi nhưng gia đình chị Phan Thị Cảnh, xóm Hải Minh, xã Tân Kim đã tận dụng để trồng rừng kết hợp chăn nuôi gà thả đồi cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Chị Cảnh cho hay: Dưới bóng mát của tán rừng keo, tôi nuôi gối đàn khoảng 3.000 con gà/năm. Trung bình mỗi lứa gà gia đình tôi thu lãi khoảng trên 40 triệu đồng, mỗi vụ trồng rừng (5-6 năm) bán được 30 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo vào năm 2019.
Cũng giống như chị Cảnh, gia đình anh Lê Văn Cương ở xóm Non Tranh, xã Tân Thành chọn hướng phát triển kinh tế từ đồi rừng. Cùng với trồng trên 3ha rừng keo, anh Cương chăn nuôi từ 4.000-6.000 con gà/lứa. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được 150-200 triệu đồng từ chăn nuôi. Anh Cương chia sẻ: Mỗi vụ trồng rừng, chi phí về cây giống, phân bón chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha, sau 5-6 năm trồng sẽ thu về 120-150 triệu đồng/ha. Gỗ keo thu hoạch đến đâu được các xưởng làm ván băm, ván bóc trong vùng thu mua đến đó nên tôi đã trồng toàn bộ 3ha. Trồng rừng không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần chống xói mòn đất.
Trong số các địa phương khu vực miền núi của huyện Phú Bình, Tân Thành là xã diện tích rừng lớn nhất với trên 1.700ha rừng. Tận dụng lợi thế này, xã đã vận động người dân chuyển đổi các loại cây lấy gỗ cho hiệu quả thấp sang trồng keo kết hợp phát triển chăn nuôi. Hiện toàn xã có 3 trang trại, 25 gia trại chăn nuôi gà với tổng đàn trên 260.000 con/năm. Việc phát triển kinh tế đồi rừng cũng đã kéo theo sự lớn mạnh các ngành nghề khác như chế biến lâm sản, dịch vụ vận tải… Đến nay trên địa bàn xã có 4 xưởng ván băm, 15 xưởng bóc ván gỗ, 100 cơ sở kinh doanh, dịch vụ vận tải, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương. Từ phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi, đời sống người dân trong xã từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng (tăng 18 triệu so với năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 9,88%.
Ngoài xã Tân Thành, Tân Kim, các xã Tân Khánh, Bàn Đạt, Tân Hòa…cũng đã và đang phát triển kinh tế theo hướng kết hợp sản xuất nông - lâm nghiệp. Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Những năm qua, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng các mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết, an toàn sinh học; đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình… Song song với đó, huyện cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế trang trại và trồng rừng nhằm góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân…
Việc phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tăng 5,2%/năm, đạt 2.400 tỷ đồng năm 2019. Đến nay, tổng diện tích rừng của huyện Phú Bình là 5.551 ha, toàn huyện có 66 cơ sở sản xuất gỗ, ván dăm, ván bóc, 130 trang trại gia cầm với tổng đàn gà đạt 3,5 triệu con/năm. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn 2,92%, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 59 triệu đồng/người/năm (vượt 9 triệu đồng so với kế hoạch).