Xóm Thượng Vụ 1 và 2 được coi là những điểm sáng của xã Thành Công trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong thời gian ngắn, diện mạo làng quê nơi đây đã có sự thay đổi nhanh chóng. Đường sá đổ bê tông rộng rãi, hai bên trồng hoa và cây bóng mát. Hệ thống kênh mương xây kiên cố để dẫn nước từ kênh chính hồ Suối Lạnh về phục vụ sản xuất. Nhà văn hóa cũng được xây dựng khang trang.
Dẫn chúng tôi thăm Nhà văn hóa xóm Thượng Vụ 1, ông Dương Đình Hùng, Bí thư Chi bộ ghép 2 xóm Thượng Vụ 1 và 2 giới thiệu: “Công trình được xây dựng từ cuối năm 2018, ngoài phần đóng góp theo quy định, nhiều gia đình còn ủng hộ thêm bàn ghế, bục phát biểu, hệ thống loa… Mọi tấm lòng dù nhiều hay ít chúng tôi đều ghi trang trọng lên bảng vàng, vừa công khai minh bạch, cũng là cách để tuyên dương sự đóng góp cho tập thể”.
Hỏi về kinh nghiệm dân vận, ông Hùng còn chia sẻ thêm: “Chi bộ có 38 đảng viên, mỗi người được giao phụ trách 6-8 hộ. Ngoài gương mẫu đi đầu mọi việc, đảng viên còn có trách nhiệm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện phong trào chung. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm”.
Ở xóm Giếng, xã Hồng Tiến, công tác dân vận cũng phát huy hiệu quả thông qua vai trò của cán bộ đoàn thể. Cùng với Ban Công tác Mặt trận, Tổ dân vận khéo và tổ hòa giải được thành lập với thành viên là Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, trưởng các đoàn thể và người có uy tín do nhân dân bầu chọn. Ông Bùi Văn Thư, Bí thư Chi bộ xóm dẫn chứng: Ví dụ như việc đổ bê tông tuyến đường dài hơn 500m vừa rồi, Chi bộ xóm xây dựng nghị quyết trên cơ sở ý kiến thống nhất của bà con về quy mô mở rộng, hình thức và số hộ trong diện phải đóng góp đối ứng. Nói nôm na là người dân quyết định, chịu trách nhiệm công trình, phần việc mà mình đóng góp vào. Trong quá trình triển khai, tổ dân vận khéo kịp thời vận động, thuyết phục người dân để tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng; ban đầu tư giám sát cộng đồng cử thành viên tham gia thi công nhằm đảm bảo minh bạch, chất lượng công trình; tổ hòa giải kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh.
Ông Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho rằng: Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, vai trò của bí thư chi bộ, trưởng xóm và trưởng các đoàn thể ở cơ sở rất quan trọng. Họ là những người gần dân nhất, hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng người để có cách vận động phù hợp. Với những công việc tập thể, tâm lý chung của người dân là không tiếc góp công sức và tài sản. Quan trọng là sự công bằng, công khai minh bạch và công trình phải thực sự hữu ích, phù hợp với nguyện vọng của chính bà con. Xác định điều này nên tất cả công việc ở Đông Cao đều quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và người dân thụ hưởng. Mọi chương trình, dự án đều niêm yết và thông báo công khai để người dân được biết.
Một nội dung quan trọng nữa được T.X Phổ Yên quan tâm thực hiện là tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để kịp thời giải quyết những tồn đọng, bức xúc. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2015-2020, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của Thị xã đã tổ chức 30 cuộc đối thoại đột xuất và định kỳ với 1.673 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia; cấp xã, phường tổ chức 74 cuộc đối thoại với 7.542 lượt người tham gia.
Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên khẳng định: Tăng cường đối thoại giúp cấp ủy, chính quyền có điều kiện lắng nghe tâm tư nguyện vọng; phát hiện, điều chỉnh nhiều chính sách, văn bản chưa phù hợp. Người dân khi đối thoại sẽ hiểu và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện các nhiệm vụ chung của địa phương. Thị ủy Phổ Yên xác định lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Từ đó quán triệt cán bộ, đảng viên làm việc có trách nhiệm, thường xuyên xuống cơ sở để tiếp xúc, đối thoại để xây dựng niềm tin trong nhân dân.