Cập nhật: Thứ hai 16/08/2021 - 17:00
 “Quái vật biển” A-050 Chaika của Nga. Ảnh: AO.
“Quái vật biển” A-050 Chaika của Nga. Ảnh: AO.

Thủy phi cơ A-050 Chaika của Nga có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ và tấn công. Do có khả năng linh hoạt, nên nó được báo chí Mỹ đặt biệt danh là “quái vật biển”.

Ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô từng biết cách làm cho những đối thủ tiềm tàng của mình ngạc nhiên. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, công trình sư Rostislav Alekseev đã tạo ra một phương tiện vận tải độc nhất vô nhị trên thế giới, đó là thủy phi cơ. Giới quân sự khối NATO đã rất sửng sốt trước khả năng của phương tiện này, nên việc Nga hồi sinh “quái vật biển” càng làm cho Lầu Năm góc “đứng ngồi không yên”.

Thu hút sự quan tâm của truyền thông Mỹ

Tình báo quân sự Hoa Kỳ đang nỗ lực theo sát những phát kiến mới nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Ấn bản Mỹ “We Are the Mighty” của nhà bình luận quân sự Harold Hutchison đã thông tin với thế giới về “vua” của kỹ thuật quân sự, một “quái vật biển” mới là thủy phi cơ А-050 Chaika (Hải âu) do Nga chế tạo. “Quái vật biển” này có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau và được sử dụng ở những nơi hoàn toàn không thể ngờ tới. Trước đây, Nga đã từng chế tạo một mẫu độc nhất vô nhị kết hợp giữa tàu thủy và máy bay mang biệt danh là “quái vật biển Caspian”.

Điều khiến báo chí Mỹ xôn xao về sản phẩm mới của Nga là do Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov có lần nói rằng, việc chế tạo thiết bị cứu hộ-cứu nạn hạng nặng có trang bị tên lửa do Phòng Thiết kế Trung ương mang tên R.E. Alekseev thực hiện là nhằm mục đích phục vụ hải quân.

Nguồn gốc của thủy phi cơ

Chiến tranh lạnh đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho các công trình sư NATO và khối Hiệp ước Warszawa. Theo lời Đại tá hải quân Vasily Dadykin, ủy viên Hội đồng chuyên gia thuộc Tổ chức “Sĩ quan Nga”, thủy phi cơ đầu tiên mang tên “Lun” được công trình sư Rostislav Alekseev nghiên cứu chế tạo tại thành phố Gorky (nay là Nizhny Novgorod).

“Quái vật” này trở thành bí quyết công nghệ của Liên Xô với nhiều thông số kỹ thuật mà đến nay Mỹ và phương Tây vẫn chưa đuổi kịp. Nó có thể di chuyển ở độ cao 5-6 m trên mặt nước biển với tốc độ cao. Từ những chiếc thủy phi cơ này, Nga đã thành lập đơn vị mang tên “Orlyonok”.

Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng công trình chế tạo của Rostislav Alekseev đến nay vẫn còn mang tính đột phá. Loại phương tiện lưỡng cư này có thể nhanh chóng bay lên cao khi vượt qua đồi núi. Các mẫu hiện tại được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh “Moskit” và đã tiến hành các vụ phóng thử.

Mất một thời gian người ta không thể quyết định thủy phi cơ sẽ được biên chế thuộc loại tàu nào. Ban đầu nó được đăng ký dùng cho các đơn vị không quân, nhưng sau đó được chuyển giao thuộc quyền quản lý của đội ngũ phi công hải quân. Không lâu trước khi Liên Xô bắt đầu chính sách cải tổ, thủy phi cơ được dự kiến sẽ làm phương tiện cứu hộ, tuy nhiên đã xảy ra sự kiện đầu những năm 1990. Cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, do thiếu kinh phí nên dự án đã phải dừng triển khai, sau đó thì chấm dứt hoàn toàn.

А-050 Chaika - nền tảng cho tương lai

Theo Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga, thủy phi cơ tốc độ cao “Chaika” hiện đang được hồi sinh, và trong vài năm tới sẽ chế tạo mẫu thử nghiệm. Thế hệ thủy phi cơ mới sẽ là bất ngờ hoàn toàn đối với các đối thủ tiềm tàng. Sản phẩm mới của các công trình sư quân sự Nga được đánh giá cao tại Trung Quốc. Sự quan tâm của giới quân sự Trung Quốc cho thấy nhu cầu khá lớn của họ đối với phương tiện lai máy bay và tàu thủy này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 Hiện ngay cả Nhật Bản, Trung Quốc và Sri-Lanka cũng xem xét khả năng sở hữu những phương tiện vận tải phù hợp nhằm giải quyết các nhiệm vụ dân sự và quân sự. Về chức năng sử dụng, thủy phi cơ có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ và tấn công. Do có khả năng linh hoạt và “sự ưu ái” của báo chí Mỹ, nên A-050 Chaika của Nga được đặt biệt danh là “quái vật biển”.

Thủy phi cơ hiện đại sử dụng đệm khí động học, cho phép nó di chuyển trên mặt băng, nước và những bề mặt phẳng như thảo nguyên khác. Nhờ lắp những động cơ máy bay công suất lớn, nên tốc độ tối đa của nó có thể đạt 500km/giờ. Phương tiện lưỡng cư này duy trì tốc độ hành trình ở độ cao sóng lên đến 3,5m. Trọng tải của tàu đạt 9 tấn, trong khi tầm xa hoạt động tối đa lên tới 5.000km.

Do tàu di chuyển ở khoảng cách gần mặt nước, nên nó trở nên tàng hình đối với hệ thống radar. Mỗi “quái vật biển” có khả năng vận chuyển một đại đội quân đổ bộ (100 người), điều này rất cần thiết để tiến hành đổ bộ nhanh chóng và bí mật ở những vùng chiến sự.

Sự im lặng nhất trí trong giới tham mưu cấp cao đồng nghĩa với việc, những bản vẽ thiết kế sẽ được triển khai để trở thành các mẫu thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Nga cũng bày tỏ mong muốn sở hữu vài chiếc thủy phi cơ dự án А-050.

Theo lời chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí Oleg Zheltonozhko, sự lo ngại của Mỹ là hoàn toàn có thể lý giải. Không phải vô cớ mà chuyên gia quân sự Harold Hutchison trong bài báo của mình có nhắc đến “quái vật biển Caspian” và chiếc thủy phi cơ đầu tiên mang tên “Lun”. Bởi khả năng dễ dàng bố trí tên lửa chống hạm đã giúp nâng tầm những chiếc tàu của Liên Xô, do đó ở Mỹ chúng được biết đến với tên gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

Dự án thủy phi cơ А-050 Chaika của Nga mang tầm bí mật quốc gia. Các chuyên gia dự đoán rằng, công nghệ lai Hybrid chưa hẳn sẽ được tích cực chế tạo, vì chương trình đóng tàu của Hải quân Nga đã được xây dựng cho đến năm 2027. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, công trình chế tạo này vẫn còn tồn tại, và điều này vẫn tiếp tục khiến cho các đối thủ tiềm tàng của Nga lo ngại.


Theo TTXVN