Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, anh Nguyễn Duy Nhất là đoàn viên, hạ sĩ, y tá Đại đội 2, Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương huyện Cao Lộc, tỉnh Cao Lạng, nay là tỉnh Lạng Sơn. Năm 1979, anh nhận nhiệm vụ cứu thương cho đơn vị giữ chốt tại điểm cao 449 thuộc xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Sớm 27/2/1979, trận địa của đơn vị đã rung lên bởi đạn pháo quân địch. Sau loạt đạn pháo, bộ binh của địch nhao lên đánh chiếm điểm cao. Dù quân địch đông hơn nhiều lần, đánh phá ác liệt, hạ sĩ Nguyễn Duy Nhất vẫn bình tĩnh, dũng cảm, cơ động trên trận địa cứu chữa được 2 thương binh và chuyển đến nơi an toàn.
Sau đó, anh trở lại trận địa, nhận thấy Chính trị viên và Đại đội trưởng đơn vị bị thương, không còn khả năng chỉ huy, anh Nhất đã mạnh dạn đứng lên chỉ huy đồng đội tiếp tục chiến đấu. Bản thân anh dùng súng trung liên, súng AK, lựu đạn của đồng đội đã bị thương tham gia chiến đấu. Đến trưa 27-2, địch tập trung hoả lực bắn ác liệt và cho quân tiến lên chiếm điểm cao 499, anh Nhất dũng cảm một mình xông lên khỏi hào đứng thẳng lia đạn, quăng lựu đạn về phía địch, tạo điều kiện cho đồng đội rút lui về phía sau an toàn rồi mới rút về với đồng đội. Với hành động dũng cảm, anh Nhất đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Và đặc biệt nhất, ngày 20-12-1979, anh được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân...
Hơn 30 năm trôi qua kể từ trận đánh ghi dấu sự quả cảm của Anh hùng LLVT Nguyễn Duy Nhất, những kỷ niệm, ký ức về ông luôn được gia đình gìn giữ, trân trọng. Trong căn nhà nhỏ, ấm cúng nằm sâu trong con ngõ yên tĩnh trên đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được nghe bà Mai Thị Hằng và con trai Nguyễn Thành Nhơn kể về người chồng, người cha quá cố - Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Duy Nhất.
Những kỷ niệm về người chồng - Anh hùng LLVT Nhân dân luôn được bà Mai Thị Hằng từ hào nâng niu, gìn giữ và chia sẻ với các cháu nội, ngoại.
Bà Hằng kể: Chúng tôi quen biết và đến với nhau vào cuối năm 1982 thông qua một người thủ trưởng những năm tôi đi nghĩa vụ quân sự (từ 1979 đến 1981) giới thiệu. Khi ấy, anh Nhất đang theo học chương trình văn hóa bổ túc cùng với thủ trưởng cũ của tôi. Còn tôi vừa trải qua cơn bạo bệnh suốt gần năm trời, không thể đi làm theo diện phục viên như dự định mà phải ở nhà buôn bán. Anh Nhất biết chuyện rất cảm thông, chia sẻ và động viên tôi. Còn tôi thì rất cảm mến con người ngay thẳng nhưng nồng hậu, sẵn sàng giúp đỡ, động viên, chia sẻ khó khăn với những người xung quanh của anh.
Có lần, anh đã kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến đấu của mình và đặc biệt những hiểm nguy trong trận đánh giữ điểm cao 499. Anh kể, vào sáng 27-2 đó, anh Nhất đã thay mặt chỉ huy phát lệnh chiến đấu đồng thời ôm khẩu tiểu liên nhoài ra khỏi hào siết cò, quét đạn xuống sườn đồi khiến địch phải tháo chạy xuống phía dưới. Ngay khi vừa lui xuống hào, đạn cối, đạn ĐK của địch đã nã ngay trúng vị trí anh đặt tiểu liên. Nguy hiểm là vậy nhưng anh vẫn dũng cảm cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Vì điều kiện học tập của anh, chúng tôi cũng không được gặp nhau nhiều nhưng tình cảm cứ tự nhiên nảy nở trong mỗi người.
Năm 1984, tôi và anh Nhất kết hôn. Anh đưa tôi về quê, sinh sống ở xóm Vang, xã Liên Minh còn anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ của người lính tại tỉnh Cao Bằng. Lớn lên từ nhỏ ở thành phố, về quê chồng cuộc sống thiếu thốn trong khi chồng đi công tác xa nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua bởi có sự động viên thường xuyên của anh và sự giúp sức của gia đình nhà chồng. Cuối năm đó, bé Nguyễn Thị Hiền chào đời rồi 2 năm sau, bé Nguyễn Thành Nhơn được sinh ra trong niềm vui khôn xiết của chúng tôi. Năm 1988, anh Nhất xin về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Võ Nhai; năm 1989, anh xin phục viên. Trở về quê, anh Nhất không nề hà việc gì để đỡ đần gia đình.
Tuy nhiên, chuyện không may ập đến với gia đình nhỏ của bà. Đầu năm 2004, ông Nhất không may bị tai nạn giao thông, không qua khỏi. Biến cố lớn này khiến bà Hằng và gia đình đau đớn tột cùng. Thương mẹ và quyết noi gương cha, cậu con trai Nguyễn Thành Nhơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Cô con gái cũng dành thời nhiều thời gian đỡ đần mẹ, đồng thời theo học nốt chương trình đại học. Sau khi đoạn tang chồng, năm 2007, bà cùng các con chuyển về quê ngoại ở T.P Thái Nguyên sinh sống. Thương chồng, bà dành hết tình cảm chăm sóc các con nên người. Cô bé Hiền, cậu bé Nhơn ngày nào giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng hạnh phúc, có công việc ổn định. Giờ đây, câu chuyện về người chồng - Anh hùng LLVT Nhân dân không chỉ ở trong ký ức của bà mà còn trong mỗi câu chuyện hằng ngày bà kể với các cháu nội, ngoại những mong chúng trưởng thành không quên thế hệ cha anh đi trước đã dành cả thanh xuân chiến đấu, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Nhơn tự hào: Khi còn sống, cha tôi luôn gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, hết lòng yêu thương đồng đội, gia đình. Chúng tôi luôn coi cha là tấm gương mẫu mực để từ đó dặn mình sống xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước không quản khó khăn, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Thay cha, chúng tôi dành nhiều tình cảm cho mẹ, chăm sóc, bù đắp cho những năm tháng khó khăn, những đau đớn mẹ phải trải qua khi mất đi người chồng hết mực thương yêu.