Cập nhật: Thứ sáu 28/08/2020 - 10:21
Tổ quản lý và bảo vệ rừng xóm Nà Mỵ đi tuần tra rừng Cà Pụt.
Tổ quản lý và bảo vệ rừng xóm Nà Mỵ đi tuần tra rừng Cà Pụt.

Từ xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông (Định Hóa) phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi thấy rừng đầu nguồn Cà Pụt trải dài một màu xanh thẳm. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên quyết giữ rừng như giữ mạch nguồn sự sống.

Cùng các thành viên trong Tổ quản lý bảo vệ rừng Nà Mỵ men theo con đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi Cà Pụt, trước mắt tôi là những cây dây leo mọc chằng chịt qua các thân cây gỗ lớn, đan nhau phủ kín cánh rừng. Anh Hoàng Đình Khóa, Tổ trưởng Tổ quản lý và bảo vệ rừng Nà Mỵ thông tin: Trong rừng có nhiều cây gỗ có tuổi đời gần trăm năm tuổi như: Đa, Sấu, Sao, Chò chỉ… và các loài động vật như hươu, nai, lợn rừng. Nhiều cây có giá trị kinh tế cao, đã đến kỳ thu hoạch nhưng cả xóm không ai chặt. Bởi mọi người đều nghĩ “giữ rừng như giữ chính lá phổi xanh của mình, giữ rừng, rừng sẽ bảo vệ, chở che”.

Rừng Cà Pụt nằm ở địa phận xóm Tân Thái (nay đã sáp nhập thành xóm Nà Mỵ). Đây vốn là rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, đa dạng. Trong kháng chiến chống Pháp, rừng Cà Pụt là địa điểm trú ẩn, nơi đi lại thường xuyên của cán bộ và lực lượng cách mạng. Khi có các cơ quan, đơn vị về địa phương sơ tán, nhân dân trong xã vào rừng lấy gỗ, tre, nứa… giúp xây dựng lán trại. Đến những năm 1980, do công tác quản lý và bảo vệ rừng còn hạn chế, khiến tình trạng khai thác rừng để lấy củi, gỗ, đốt rừng làm nương rẫy diễn ra bừa bãi, kéo dài trong suốt nhiều năm. Từ năm 1997, UBND huyện Định Hóa đã giao khoán cho các hộ của xóm quản lý và bảo vệ diện tích hơn 87 ha rừng ở khu vực này.

Ông Hoàng Đình Đạt, Bí thư Chi bộ xóm Nà Mỵ cho biết: Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả, hàng năm chúng tôi đưa nội dung này trong các cuộc họp, nghị quyết của xóm, tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Xóm xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng với các nội dung như: “Không được chăn thả gia súc trong khu vực rừng được giao; nghiêm cấm các hành vi tự ý khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản; chỉ được khai thác phần lâm sản theo phương án đã được cấp thẩm quyền đã phê duyệt; chỉ được lấy củi khô tự nhiên sử dụng trong gia đình theo lịch và khối lượng theo quy định của Tổ trong diện tích rừng được giao…”.

Bên cạnh quy định cấm xâm hại rừng, mỗi người dân đều có trách nhiệm chung là bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng, hoạt động xâm hại rừng với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Ai vi phạm quy ước bảo vệ rừng đều bị phạt (bằng thóc quy ra tiền). Xóm cũng thành lập Tổ Quản lý và bảo vệ rừng gồm 11 thành viên là bí thư, trưởng xóm và người đứng đầu các đoàn thể. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân gìn giữ bảo vệ rừng, tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy ước của xóm và quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng xóm Nà Mỵ cho hay: Định kỳ từ 1- 2 tuần, Tổ sẽ cử 3-5 người đi tuần tra rừng. Từ chân núi lên đỉnh núi cũng mất khoảng 2 giờ đồng hồ, đường đi khó khăn nên các thành viên thường đi sớm, mang theo đồ ăn, nước uống, áo mưa... Được biết, mỗi năm, xóm Nà Mỵ được chi trả hơn 34 triệu đồng cho việc trông coi bảo vệ rừng Cà Pụt. Số tiền này dành trả thù lao cho các thành viên trong Tổ mỗi khi đi tuần rừng (mỗi lần đi hỗ trợ 50.000 đồng/người), phần còn lại nhập vào quỹ xóm để thực hiện các công việc chung như làm đường giao thông, thăm hỏi, hỗ trợ người ốm đau, hoạn nạn... Kinh phí hỗ trợ thấp, công việc vất vả nhưng ai cũng vui lòng vì họ nghĩ đơn giản đó là trách nhiệm với rừng, với chính cuộc sống của người dân.

Theo người xóm Nà Mỵ, ngày trước cứ đến mùa khô, việc canh tác sản xuất của người dân gặp khó khăn do thiếu nước, nhiều người không trụ được với nghề nông phải đi tha hương khắp nơi. Người bám lại xóm làng thì lên rừng đốn cây lấy gỗ bán kiếm tiền... Mạch nguồn cứ thế cạn kiệt dần. Nhưng nay, nhờ giữ được rừng, nên nguồn nước phục vụ, sinh hoạt sản xuất của xóm luôn dồi dào, không xảy ra tình trạng cháy rừng, lấn chiếm đất rừng hay lũ quét, sạt lở đất nữa, bà con rất yên tâm sinh sống, sản xuất.

Tuy nhiên, điều mà người dân ở đây đang trăn trở hiện nay là có khoảng 20 ha rừng Cà Pụt vẫn chưa được phân chia rõ ràng địa giới hành chính và bản đồ quy hoạch các loại rừng giữa huyện Định Hóa và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Đó là địa phận được xóm Tân Thái (cũ) được giao quản lý, bảo vệ, có cắm mốc rõ ràng từ năm 1997 đến nay, song khi có các đối tượng đến khai thác trái phép, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn lại chưa khẳng định địa giới khu vực đã giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Đáng lo ngại là trong thời gian chờ xác minh, phân định lại thì việc khai thác, tận thu lâm sản của các đối tượng vẫn có thể xảy ra, nguy cơ lấn sang diện tích rừng lân cận, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân. Vì vậy người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo sự công bằng, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lưu Phượng