Thị trấn Đu là nơi đóng chân của các cơ quan hành chính chủ chốt của huyện, cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác. Ngoài ra, thị trấn cũng là địa phương có điều kiện giao thông khá thuận lợi với nhiều khu dân cư có địa phận nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 3 và hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư cứng hóa đồng bộ. Đây chính là tiềm năng lớn để thị trấn đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ.
Nhằm phát huy những thế mạnh trên, những năm qua, UBND thị trấn đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ tại địa phương. Trong đó, đặc biệt là công tác phối hợp với các Ngân hàng đóng trên địa bàn để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, mở rộng quy mô buôn bán. Theo thống kê, nếu như năm 2015 có trên 600 hộ vay với tổng dư nợ các nguồn vốn là 63 tỷ đồng thì hiện nay, tổng dự nợ các nguồn vốn đạt trên 200 tỷ đồng với hơn 1 nghìn hộ vay.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, từ năm 2015 đến nay, thị trấn Đu đã đầu tư hơn 18,8 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa chợ Đu (chợ trung tâm của thị trấn) và xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông trục chính của nhiều tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó giúp hoạt động đi lại giao thương của người dân được thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong thời gian qua, thị trấn cũng đã phối hợp với phòng chuyên môn của UBND huyện hoàn thiện quy hoạch xây dựng Khu dân cư Thành Nam 1, Thác Lở và đang trong quá trình thực hiện hồ sơ quy hoạch Khu dân cư Thành Nam 2. Thông qua việc quy hoạch các khu dân cư mới sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ tại khu vực phía Nam và phía Bắc của thị trấn trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, thị trấn Đu còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, thị trấn cũng phối hợp với lực lượng công an thường xuyên theo dõi địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có hoạt động kinh doanh, buôn bán. Qua đó giúp nhiều tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Chung, chủ cửa hàng điện máy Chung Hường tại Tổ dân phố Cầu Trắng cho hay: Chính quyền thị trấn luôn tạo điều kiên thuận lợi về thủ tục hành chính để chúng tôi tiến hành mở cửa hàng kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ tài chính đối với nhà nước. Bên cạnh đó, thị trấn cũng đã đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn để chúng tôi yên tâm mở rộng quy mô dịch vụ. Nhờ vậy, hoạt động buôn bán của cửa hàng tôi ngày càng phát triển. Hiện nay, tôi đã mở rộng quy mô kinh doanh, kết nối ký kết nhập hàng hóa với trên 50 công ty phân phối (tăng khoảng 30 công ty so với năm 2015), số lượng hàng hóa đa dạng cả về chủng loại và mẫu mã.
Nhờ những chính sách, giải pháp của chính quyền thị trấn, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển; số lượng cơ sở kinh doanh tăng dần hàng năm với đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo thống kê, hiện, toàn thị trấn có 20 doanh nghiệp và 929 hộ kinh doanh dịch vụ (tăng 4 doanh nghiệp và 452 hộ kinh doanh so với năm 2016); giá trị kinh doanh dịch vụ năm 2019 đạt 90 tỷ đồng (tăng 36,5 tỷ đồng so với năm 2016).
Bà Ngô Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND thị trấn Đu cho biết: Mặc dù lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn thị trấn đã có bước phát triển nhất định nhưng quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở hiện còn ở mức nhỏ lẻ. Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp kêu gọi các nguồn vốn đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch, trong đó chú trọng hướng tới mở rộng phát triển thương mại - dịch vụ ở khu vực phía Nam của thị trấn…