8 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của cả nước đạt 21,64% dự toán, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ đạt vẫn thấp so với mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước. Hội nghị đánh giá, nguyên nhân do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, trong khi hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…Cùng với đó, còn có các nguyên nhân chủ quan, như: Năng lực của chủ dự án; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư... làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài trong năm nay, đại diện Bộ Tài chính đề nghị các bộ phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai; các ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Đối với các dự án có khối lượng hoàn thành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ và chi đúng chế độ quy định…
Đối với Thái Nguyên, tổng vốn giải ngân cho các dự án vay vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt trên 236 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án đang thực hiện bị đánh giá giải ngân chậm tiến độ.