P.V: Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu về phát triển GD-ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí có thể cho biết những mục tiêu cụ thể mà ngành GD-ĐT tỉnh đặt ra trong năm học này?
Đ/c Phạm Việt Đức: Năm học 2020-2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời là năm làm tiền đề thực hiện các mục tiêu về phát triển GD-ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Điểm nhấn quan trọng nhất chính là chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức thực hiện cho lớp 1, tiếp đó là theo lộ trình đến năm 2025 thực hiện toàn bộ các cấp học trong giáo dục phổ thông. Như vậy, toàn ngành phải thực hiện cùng lúc hai nôi dung: Vừa bảo đảm chất lượng giáo dục cho các bậc học theo chương trình hiện hành, vừa cập nhật chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên và từng vị trí việc làm phải bảo đảm đúng các chuẩn mới.
Mục tiêu cụ thể cho năm học này ngành đặt ra một số nhiệm vụ cơ bản là: Nâng cao chất lượng toàn diện, trong đó coi trọng việc đạt chuẩn, giữa chuẩn và nâng chuẩn về chất lượng nhà trường và môi trường giáo dục. Điều quan trọng là: Trường chuẩn quốc gia ngày càng tăng lên, đội ngũ giáo viên các cấp đều cập chuẩn và vượt trên chuẩn thì chất lượng giáo dục phải nâng lên.
P.V:Có ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục của tỉnh phát triển chưa đồng đều, đồng chí nhận định như thế nào về vấn đề này?
Đ/c Phạm Việt Đức: Căn cứ vào kết quả thi tuyển sinh, khảo sát đánh giá năng lực học sinh và thi tốt nghiệp trong thời gian qua có thể thấy biểu đồ chất lượng giáo dục tập trung chủ yếu ở các khu vực thành thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn nông thôn, miền núi. Đây cũng là thực tế khách quan: Nơi nào gia đình, xã hội quan tâm chăm sóc tốt cho con em mình học tập thì chất lượng sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, không thể để kéo dài tình trạng chênh lệch quá lớn về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong toàn tỉnh. Về cơ bản người học, gia đình, xã hội phải xác định rõ mục đích học tập cho con em mình, từ đó mới có quyết tâm. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng môi trường xã hội học tập.
Đối với ngành GD-ĐT không phải không còn tình trạng chênh lệch về chất lượng đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường... Phương pháp đánh giá và quản lý giáo viên còn ít đổi mới, chủ yếu vận hành theo kinh nghiệm, lối mòn, thiếu sáng tạo. Chính vì vậy, một trong những biện pháp nâng cao chất lượng ngành đặt ra là phải thường xuyên đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên.
P.V: Về những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh trong năm học này là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Việt Đức: Về nguyên tắc, giáo viên phải chuẩn về trình độ. Năm học này các địa phương đã xây dựng phương án bồi dưỡng cho giáo viên cập chuẩn theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Song, trong ngành sẽ thường xuyên tổ chức “sát hạch” định kỳ để bảo đảm đánh giá mức độ giữ chuẩn thế nào mới tiếp tục cho hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, các địa phương phải tiến hành luân chuyển đội ngũ giáo viên có thời hạn để nơi nào yếu thì bổ sung nhân tố tốt làm vai trò dẫn dắt phong trào.
Về phía học sinh, các nhà trường tập trung phân loại để có hình thức bồi dưỡng, dựa trên phương pháp đánh giá, phân loại theo mặt bằng kiến thức chung và áp dụng rộng rãi từng cấp học trên toàn tỉnh. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trong toàn tỉnh đạt trên 98% và xếp thứ 35 (đối với học sinh các trường THPT) trên toàn quốc, qua đó cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi nhà trường phải xây dựng chi tiết về công tác bồi dưỡng giáo viên và học sinh, đồng thời thực hiện kiểm định chất lượng thường xuyên để kịp khắc phục những hạn chế trong đôi ngũ và học sinh…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!