Được xác định là một lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh, năm 2020, toàn ngành may phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 89,7 triệu sản phẩm, tăng 16% so với năm trước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm may chỉ đạt 41,6 triệu sản phẩm, giảm 11,1% so với cùng kỳ và chỉ đạt trên 46% kế hoạch năm.
Tại Công ty CP May Thành Hưng ở xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên, nhiều tháng nay, NLĐ phải nghỉ việc luân phiên do đơn vị không ký được các đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty lo lắng: “Doanh thu 8 tháng qua của Công ty chỉ đạt 20 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 đã khiến các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc... bị cắt giảm. Để bảo đảm công ăn việc làm cho NLĐ, DN duy trì sản xuất theo hình thức luân phiên, đồng thời trích quỹ dự phòng để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền lương và các chế độ bảo hiểm cho trên 1.000 NLĐ”.
Tình trạng trên xảy ra tương tự đối với Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương. Ông Vũ Xuân Cương, Giám đốc Công ty cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát khiến DN không ký được các đơn hàng mới, những đơn hàng cũ cũng bị giảm từ 20-50% số lượng. Vì thế, nhiều tháng nay, DN không tạo đủ việc làm cho trên 300 NLĐ. Trong khi, NLĐ là yếu tố sống còn của DN, nhất là đối với ngành nghề đòi hỏi cần nhiều nhân công lao động như ngành may và không dễ dàng tuyển dụng do sự cạnh tranh giữa các DN trên cùng địa bàn. Chính vì thế, bằng mọi cách, thậm chí chấp nhận bù lỗ sản xuất từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng mỗi tháng, chúng tôi vẫn phải “giữ chân” NLĐ trong đại dịch.
Theo tìm hiểu thêm của chúng tôi, để tháo gỡ khó khăn về sản xuất - kinh doanh cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ trong bối cảnh dịch COVID-19, một số DN may trên địa bàn tỉnh đã tìm các giải pháp ứng phó như: Cơ cấu lại thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước; đặc biệt là mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm bảo hộ y tế phòng dịch.
Tiêu biểu như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG vừa mới đầu tư và đưa vào vận hành 3 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp và khẩu trang KN95 (5 lớp). Hiện, TNG cung cấp ra thị trường trong nước khoảng 104.000 chiếc khẩu trang y tế 3 lớp (đạt 90% công suất thiết kế) mỗi ngày; kết hợp với nhiều các hoạt động sản xuất khác như đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp... Nhờ đó đã bảo đảm việc làm và thu nhập cho trên 14 nghìn NLĐ.
Hay như Công ty May xuất khẩu Vina Garment (ở xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên), kể từ đầu mùa dịch COVID-19, đơn vị đã chuyển hướng từ may quần áo y tế, phòng dịch sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn (tiêu chuẩn IQS, Test) xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand... Hiện nay, mỗi tháng đơn vị xuất khẩu được 600.000 chiếc/tháng. Từ nay đến cuối năm, phấn đấu nâng lên 720.000 chiếc/tháng. Chị Hoàng Thúy Mây, công nhân của Công ty tâm sự: Thời gian qua, Ban lãnh đạo Công ty luôn trăn trở tìm hướng đi mới để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh. Từ đó tạo đủ việc làm cho NLĐ, giữ vững mức lương 6 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thực tế số DN may có thể chủ động tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh COVID-19 như trên là không nhiều. Bởi phần lớn DN may trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đầu tư công nghệ, chuyển hướng sản xuất các sản phẩm mới, nhất là sản phẩm liên quan đến y tế bảo hộ phòng dịch gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên dù trong khó khăn, các DN may vẫn nỗ lực triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời bảo đảm việc làm cho hàng nghìn NLĐ. Tuy nhiên trước bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài sự nỗ lực tự thân, các DN may cũng đang rất cần đến trợ giúp từ phía các ngành chức năng trong việc tạo cầu nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ DN về thuế... để có thể sớm khôi phục hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chăm lo tốt hơn đời sống và việc làm cho NLĐ.