Bên lề một hội nghị cấp tỉnh, tôi được nghe lãnh đạo các cấp, ngành bàn về những xóm, xã đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hấp dẫn lắm, nhưng tôi chạnh lòng nghĩ về những vùng đất khó, có những người nghèo đang từng ngày bươn bả mưu sinh cực nhọc mà khó nghèo vẫn đeo bám mãi không buông.
Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, giúp đỡ người nghèo. Điều đó được thể hiện thông qua việc triển khai, thực hiện các chế độ chính sách, các chương trình, dự án xóa, giảm nghèo… Nhưng đến đầu năm 2019, qua rà soát, toàn tỉnh còn 20.705 trên tổng số 323.933 hộ nghèo (chiếm 6,39%). Sau 1 năm, toàn tỉnh giảm được 2,04% số hộ nghèo (hiện còn 4,35%).
Trong 1 năm có 2,04% số hộ thoát nghèo, đồng nghĩa với việc toàn tỉnh có thêm hơn 4.000 hộ thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước. Một con số ấn tượng, ý nghĩa được làm nên bởi sự đồng thuận vào cuộc của các cấp, ngành và người dân. Gia đình bà Giáp Thị Sen, ở xóm Trại, xã Tân Kim (Phú Bình) là hộ được xóa tên trong danh sách hộ nghèo mới đây cho biết: Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của cơ quan chức năng Nhà nước và cộng đồng xã hội, có lẽ không bao giờ tôi thoát cảnh lận đận ăn bữa nay, lo bữa mai… Bà kể: Ngôi nhà mà gia đình tôi mới chuyển vào ở là nhờ MTTQ hỗ trợ 50 triệu đồng và tiền họ mạc giúp đỡ mà xây dựng nên.
Trao đổi về chuyện xây nhà đại đoàn kết giúp các hộ nghèo, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh suy tư: Phía sau sự phồn thịnh phố xá và đổi mới làng quê, còn có không ít cảnh nghèo vì các lý do như: bệnh tật, thiếu sức lao động... MTTQ chúng tôi đến với họ, trao cho họ tình cảm ấm áp được gom lại từ lòng người trong thiên hạ. Giúp họ có cuộc sống yên bình trong mái ấm tình người.
Được biết, trong năm 2019 đã có hơn 1.000 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền làm hoặc sửa chữa nhà. Hơn 300.000 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có hơn 211.000 người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn; hơn 21.800 người nghèo; hơn 27.000 người thuộc hộ cận nghèo và hơn 48.000 người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Gần 55.000 học sinh, sinh viên, trẻ em thuộc hộ nghèo, thuộc diện hộ nghèo người dân tộc thiểu số nghèo được miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập. Gần 7.700 hộ nghèo, cận nghèo hay mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Năm 2019, tổng nguồn vốn huy động cho chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên toàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 572 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 124 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 426 tỷ đồng và hơn 25 tỷ đồng huy động từ xã hội.
Để xóa nghèo bền vững, Thái Nguyên thực hiện “nguyên tắc” trao “chiếc cần câu” cho các hộ nghèo và hướng dẫn bà con cách “câu cá”. Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề cho 46.455 người; tạo việc làm tăng thêm cho 21.500 người, trong đó có hàng trăm lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cùng với đào tạo nghề là các chương trình, dự án hỗ trợ người dân vùng khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, như: Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh được thực hiện tại các huyện có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống (gồm Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương và Đồng Hỷ), với tổng kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ hơn 119 tỷ đồng cho xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; hơn 21,8 tỷ đồng cho phát triển sản xuất như: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy móc cho hộ nghèo các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Để mọi người dân cùng biết, cùng làm, các huyện, thành phố và thị xã đã lựa chọn, xây dựng thành công 27 mô hình giảm nghèo, thu hút 457 hộ nghèo tham gia, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,2 tỷ đồng. Ngoài ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, các mô hình giảm nghèo (như chăn nuôi trâu, bò sinh sản; gà thả vườn; trồng cây ăn quả, chè chất lượng cao...) còn có tác động tích cực đến tư duy làm kinh tế, giúp hộ tham gia mô hình thay đổi cách nghĩ, cách làm và biết hướng đến sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập. Đặc biệt trong thời gian triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thực sư phát huy hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo tại từng cơ sở. Qua đó nắm bắt được khó khăn tồn tại, nguyện vọng của hộ nghèo, từ đó có cơ sở tham mưu cho tỉnh và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Không ai đứng ngoài cuộc. Các cấp, ngành, địa phương và mọi người dân trong tỉnh cùng chia sẻ, hỗ trợ các hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống. Và từ cơ sở, đội ngũ cán bộ chuyên môn gắn bó với người nghèo bằng “cầm tay chỉ việc”. Trực tiếp hàng ngày là các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động thuộc diện hộ nghèo; giúp các hộ nghèo vốn vay không lấy lãi và chia sẻ kinh nghiệm làm giàu để hộ nghèo có thêm cơ hội tự vươn lên trong cuộc sống. Từ đó góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.