Sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Tây nguyên, Trung đoàn được lệnh hành quân cùng với các đơn vị bạn phát triển xuống miền duyên hải. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (D2) Vũ Khắc Minh ngày ấy kể lại: Gần trưa ngày 14/3/1975, tôi nhận được lệnh của Trung đoàn đúng 13 giờ phải có mặt tại sở chỉ huy để nhận nhiệm vụ. Khi chúng tôi có mặt, Trung đoàn trưởng (E trưởng) Lộ Khắc Tâm, Chính uỷ Nguyễn Ngãi, các đồng chí tham mưu, tác chiến đã chờ sẵn, trước mặt là tấm bản đồ tác chiến của đơn vị.
Trước khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi, đồng chí E trưởng đọc bức điện của Tư lệnh Mặt trận B3 (Tây Nguyên) với nội dung: Mặt trận lệnh cho Trung đoàn cơ động gấp một tiêu đoàn bộ binh bí mật luồn qua căn cứ Khánh Dương (một thị trấn nhỏ nối liền vùng cao nguyên Ban Mê Thuột với vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa) chiếm trước 5 cao điểm trên đèo Phượng Hoàng ở các toạ độ… Nếu để quân nhảy dù của nguỵ chiếm trước thì trung đoàn coi như “mất đầu”… Đọc xong, đồng chí E trưởng nói: Đây là mệnh lệnh chiến đấu khẩn cấp, nhiệm vụ này Đảng uỷ, Chỉ huy Trung đoàn quyết định giao cho D2. Trung đoàn sẽ tăng cường cho D2 1 tiểu đội trinh sát, 1 trung đội vận tải, một số súng, đạn có hỏa lực mạnh... Muộn nhất là 0 giờ ngày 17/3/1975, bộ đội phải có mặt để chuẩn bị công sự chiến đấu, lực lượng còn lại của Trung đoàn phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt căn cứ Khánh Dương mở thông tới đèo Phượng Hoàng.
Nhận nhiệm vụ, E trưởng quay điện về cho hai cấp phó bí mật đưa quân về vị trí tập kết, nhận cấp phát, đón các đơn vị tăng cường chờ chúng tôi về để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Theo kế hoạch, cả khối hành quân gần 500 người trong rừng núi cả ngày lẫn đêm để đảm thời gian. Khoảng 16 giờ ngày 16/3/1975 đơn vị đã vào được vị trí tập kết tại một con suối cạn dưới chân đèo. 19 giờ trời đã tối, thỉnh thoảng có những quả pháo sáng, đèn dù của địch bắn lên nhằm phát hiện lực lượng của ta. Theo lệnh, đến 1giờ 30 sáng 17/3/1975, quân ta ở cả 5 địa điểm quan trọng đã tiếp cận vị trí, gấp rút xây dựng công sự chiến đấu.
Khoảng 9 giờ cùng ngày khi công sự chiến đấu chưa hoàn thành thì cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt với Lữ đoàn nhảy dù 3 (đơn vị mệnh danh là anh cả đỏ, lực lượng bất khả chiến bại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu), được điều từ Bắc miền Trung về. Chúng cũng biết rằng nếu không chắn giữ được đèo Phượng Hoàng thì quân giải phóng sẽ tràn xuống đồng bằng nhanh chóng. Địch dùng pháo áp chế trận địa của ta, mở đường cho bộ binh tấn công. Ta có lợi thế trên cao, với công sự và các mỏm đá tự nhiên, đã đánh lui các đợt tấn công của chúng.
Đánh ngày không được chúng chuyển đánh ban đêm với phương thức nhỏ lẻ, bí mật lợi dụng địa hình, địa vật bò sát lực lượng ta, tìm trận địa, công sự của ta để ném lựu đạn, không dùng súng bộ binh dễ bị lộ, với ý đồ chiếm cho được công sự của ta, với thế cài răng lược để đẩy lùi quân ta.
Trước thế trận giằng co, đơn vị lại thiếu lương thực do đơn vị vận tải bị lạc hướng trận địa. Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn trong đêm tổ chức giải phóng một số ấp chiến lược, lấy chiến lợi phẩm để tiếp tục giữ vững trận địa. Trong những ngày chờ tiếp lương, bộ đội đã phải chia sẻ, nhường nhịn khẩu phần, tìm cây rừng để ăn... Tuy nhiên, với ý chí chiến đấu quật cường, đơn vị đa giữ vũng trận địa, góp phần quan trọng để quân ta giải phóng Khánh Dương. Trong trận đánh này, mặc dù có nhiều hy sinh mất mát nhưng ta đã diệt gọn Tiểu đoàn 6 và 1 đại đội của tiểu đoàn 5 thuộc Lữ đoàn nhảy dù 3 của địch, tiêu diệt hơn 100 tên, bắt sống 86 tên, thu hơn 150 súng các loại và toàn bộ vũ khí, trang bị. Sau trận đánh, Trung đoàn được Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 thưởng Huân chương Quân công giải phóng Hạng 2.