Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và xã hội): Hiện toàn tỉnh có hơn 4.700 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 1.000 người nghiện ma túy được cơ quan chức năng Nhà nước hỗ trợ cai nghiện. Từ năm 2011 đến hết tháng 6-2020, 7 cơ sở cai nghiện của tỉnh đã cai nghiện cho 13.703 lượt người, trong đó 10.640 lượt người cai nghiện tự nguyện, 3.063 lượt người cai nghiện bắt buộc (chưa kể tại 164/178 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng).
Ông Dương Văn Đương, Giám đốc cơ sở Tư vấn và Điều trị, Cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: Nhiều trường hợp ra, vào trung tâm thường xuyên. Chúng tôi không muốn điều đó, nhưng việc vẫn xảy ra. Ngay cả gia đình người nghiện cũng muốn thân nhân của họ ở lại Trung tâm cho “yên cửa nhà”. Bởi lẽ ấy chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ của mình là phải kiên trì, bền bỉ giúp người nghiện từ bỏ thói quen xấu, tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng tổ chức cai nghiện ma túy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương về phòng, chống tội phạm ma túy. Từ năm 2011 đến nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức hơn 300 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống ma túy, với gần 24.000 lượt người tham gia, chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên và người nghiện; tổ chức 113 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho gần 7.000 lượt cán bộ các cấp về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, tổ chức cai nghiện ma túy; đổi mới công tác cai nghiện và phòng ngừa tái sử dụng ma túy, trong đó có gần 6.000 lượt người là thành viên tổ công tác cai nghiện ma túy cơ sở; đội công tác xã hội tình nguyện, cán bộ chủ chốt các xóm. Cấp phát gần 30.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về phòng, chống và cai nghiện ma túy cho các xã, phường, thị trấn. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức cũng như trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền cơ sở, các tổ chức, cá nhân về phòng, chống tệ nạn ma túy được nâng cao. Từ đó tích cực, bền bỉ tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, trở lại làm một công dân bình thường như chính bản thân người nghiện mong muốn.
Xác định từ bỏ ma túy là cực kỳ khó khăn đối với người nghiện, nên nhiều trường hợp sau cai nghiện tập trung, tiếp tục được quản lý, giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Đã có 1.736 lượt trường hợp sau cai nghiện phải chấp hành theo các quy định này, trong đó 49 trường hợp tại cơ sở tập trung; 1.687 trường hợp được đưa về quản lý sau cai tại nơi cư trú. Dù không muốn, nhưng cũng không còn giải pháp nào hiệu quả hơn là chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng cùng kiên trì, bền bỉ giúp người sau cai nghiện không tái sử dụng ma túy, giúp họ vượt qua bóng tối tội lỗi, tự tin hòa nhập cộng đồng.