Cập nhật: Thứ bẩy 26/09/2020 - 08:38
Các thành viên hội hái chè xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa) giúp gia đình bà Nguyễn Thị Thúy thu hái chè.
Các thành viên hội hái chè xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa) giúp gia đình bà Nguyễn Thị Thúy thu hái chè.

Hiện nay, do lực lượng lao động trẻ tại nông thôn đi làm công nhân ngày càng nhiều đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Bởi vậy, việc lập ra các hội hái chè, hội cấy - gặt lúa tại xã Phú Đình (Định Hóa) thời gian qua không chỉ giúp nhân dân địa phương giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động.

Xã Phú Đình có 1.542 hộ với gần 6.200 nhân khẩu, trong đó có 3.800 người ở độ tuổi lao động. Kinh tế của người dân trong xã phụ thuộc chủ yếu vào trồng chè và cấy lúa. Xã có trên 500ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 262ha đất chè kinh doanh và 240ha đất lúa 2 vụ.

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích đất nông nghiệp nhiều đòi hỏi một lượng lớn lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây,  thanh niên độ tuổi lao động đi làm công nhân trong các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Hiện nay, trong xã có gần 1.000 thanh niên đi làm công nhân và hàng trăm người đi lao động tự do tại các thành phố lớn. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều xóm lao động giờ đây chủ yếu là người già và phụ nữ.

Để khắc phục tình trạng trên, Hội Phụ nữ xã đã vận động các chi hội thành lập các hội hái chè, hội cấy, gặt lúa nhằm giúp các gia đình giảm chi phí sản xuất, bớt khó khăn cho lao động nữ. Chị Mai Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Đổi ngày công trong lao động sản xuất nông nghiệp đã có từ lâu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây việc đổi công theo ngày không còn phát huy hiệu quả do nhiều gia đình chỉ còn 1-2 lao động, vì vậy, Hội Phụ nữ xã đã vận động hội viên tại các xóm tập hợp lại để đổi công theo giờ thay cho đổi công theo ngày và gọi là các hội. Cứ một hộ gia đình nào trong xóm đến thời điểm thu hoạch sẽ có 10-30 thành viên trong hội đến hỗ trợ.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đến xóm Phú Ninh, nơi có trên 40ha đất trồng chè. Mặc dù năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thúy vẫn trồng 5 sào chè và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bà Thúy bảo: Nếu không có hội hái chè đổi công của xóm thì tôi không thể quán xuyến được vì gia đình thiếu lao động, các cháu đi làm ăn xa hết. Nếu thuê người trừ mọi chi phí thì không có lãi, thậm chí là lỗ. Chị  Vũ Thị Mến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm cho biết: Chi hội hiện có gần 100 hội viên, trong đó 60 hội viên tham gia vào hội hái chè của xóm. Nhờ có hội hỗ trợ nên việc thu hái chè của các hộ không bị kéo dài về thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Cũng như xóm Phú Ninh, các hội viên trong Chi hội Phụ nữ xóm Đồng Kệu đã thành lập ra hội cấy, gặt lúa. Chị Hoàng Thị Lên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm cho biết: Việc hình thành hội đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động cho nhiều gia đình trong xóm, nhất là những nhà neo đơn. Vào vụ thu hoạch các hộ dân không còn phải “đỏ mắt” tìm người cấy thuê, thuê nữa.

Có thể nói, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là đẩy mạnh cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa để sản xuất cánh đồng lớn nhằm giảm bớt lực lượng lao động. Tuy nhiên ở Phú Đình khi giải pháp này chưa thực hiện được thì việc thành lập các “hội” ở các xóm đã và đang chó thấy tình hiệu quả, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng như hiện nay.

Vũ Công