Có thể thấy, 9 năm qua, các hoạt động tuyên truyền của Ngày Quốc tế Trẻ em gái đã có sự tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân Thái Nguyên. Anh Nguyễn Văn Hà, 36 tuổi, ở tổ 4, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi kết hôn năm 2012, đã sinh được 2 con gái. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con bởi theo tôi, sinh con gái hay trai không quan trọng bằng việc chăm sóc, nuôi dậy để các con phát triển khỏe mạnh, học hành đến nơi, đến chốn, trở thành những công dân có ích cho xã hội…
Không chỉ riêng lớp trẻ, nhiều người cao tuổi cũng đã không còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và gây sức ép về việc “sinh con nối dõi” cho thế hệ con, cháu nữa. Bà Lê Thị Lan, 82 tuổi, ở tổ 7, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Hai cháu nội của tôi (cháu trai) đều sinh con gái nhưng tôi và bố mẹ chúng không gây áp lực để các cháu sinh thêm con trai mà chỉ khuyên chúng chăm chỉ làm ăn, quan tâm nuôi dạy con cái thật tốt.
Thực tế đã chứng minh, những năm trở lại đây, rất nhiều người dân trong tỉnh không còn nặng nề trong việc sinh con trai hay con gái. Họ đã có cái nhìn rất “bình đẳng” giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Trong xã hội hiện nay, cả trẻ em trai và trẻ em gái đều được tạo mọi điều kiện để được vui chơi, học tập, được phát triển cả về thể chất và tinh thần… Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, nhất là khi Thái Nguyên đang bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hằng năm, tỉnh đều đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn Thái Nguyên là 115,0 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 3,5 điểm phần trăm so với năm 2010. Con số này còn tiếp tục giảm trong năm nay…
Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm nay (11/10/2020), Chi cục DS, Kế hoạch hóa gia đình tổ chức truyền thông, phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái. Từ đó, góp phần thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề là gái, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; từng bước vận động, làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Bên cạnh đó, Chi cục còn tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 104/2013/NĐ ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch truyền thông Dân số của tỉnh đến năm 2030...