Cập nhật: Chủ nhật 18/10/2020 - 18:08
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình).
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình).

Những năm qua, Thái Nguyên từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Có được kết quả này, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2015-2020 chỉ tính riêng dự án (DA) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thái Nguyên đã thu hút được 108 DA (tăng 56 DA so với giai đoạn trước), với tổng vốn đầu tư thực hiện 5 tỷ USD. Trong đó, nhiều DA có quy mố lớn đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản như Nhà máy Alutec Vina của Hàn Quốc (vốn đầu tư 93,7 triệu USD); Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp của Hồng Kông (350 triệu USD);. Tính đến nay, toàn tỉnh còn 156 DA FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 8,2 tỷ USD.

Để có được kết quả trên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Cụ thể như Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”. Từ Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nâng lên thành Nghị quyết 09 - NQ/TU, ngày 29/3/2019 “về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”. Sau khi Nghị quyết 09 được ban hành, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 74-KH/UBND, ngày 24/5/2019 để triển khai thực hiện Nghị quyết 09 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ - thành phố Thái Nguyên của Công ty CP Tập đoàn Vingroup, vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng góp phần tạo nên diện mạo mới cho T.P Thái Nguyên.

Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã tích cực vào cuộc, nâng cao vai trò của mình trong đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, DN. Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhiệm kỳ qua, Sở đã không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định các DA đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”. Kết quả đã có 41 nhà đầu tư triển khai thực hiện 53 DA thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ...., với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 109 nghìn tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng với các sở, ban ngành khác, ngành Công Thương đã thực hiện công khai và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, 120 TTHC đã được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở và niêm yết tại bộ phận “1 cửa”. Ngoài ra, Sở cũng bãi bỏ một số TTHC không cần thiết.

Cộng đồng DN đánh giá cao

Không chỉ các sở, ngành mà các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh cũng rất quan tâm đến việc đồng hành, hỗ trợ DN, nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện các DA. Điều này được phần lớn DN trong tỉnh ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tâm đắc: Nhìn vào chỉ số PCI và kết quả thu hút đầu tư qua các năm đã cho thấy môi trường đầu tư - kinh doanh của Thái Nguyên ngày càng được cải thiện rõ rệt. Trong đó, chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp với các DN, nhà đầu tư thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng các DA. Bởi đây là rào cản lớn nhất khiến các DN e ngại khi thực hiện đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của Sở Công Thương. 

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Công ty CPTư vấn và Chuyển giao công nghệ Quốc tế (T.P Hà Nội) - Chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) số 3 cảng Đa Phúc (T.X Phổ Yên) đánh giá: Trong quá trình thực hiện DA, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc và nắm bắt những khó khăn từ phía DN, nhà đầu tư. Vì thế, quá trình triển khai DA của Công ty diễn ra đúng theo kế hoạch, tiến độ. Hiện tại, CCN đã được lấp đầy và chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng CCN số 2, cảng Đa Phúc với quy mô 30ha để mở rộng CCN số 3.

Còn ông Cho Dong Pyo, đại diện Công ty TNHH Young Jin Hi –Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy) - đơn vị chuyên sản xuất phụ kiện camera điện thoại xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc tâm sự: Những năm gần đây, Thái Nguyên ngày càng khẳng định rõ chính sách thu hút đầu tư bằng nền hành chính thông thoáng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp và trách nhiệm. Đây cũng là mong mỏi lâu dài của các DN, nhà đầu trong suốt quá trình hoạt động sản xuất không chỉ là những cơ chế ưu đãi về giá đất, thuế kinh doanh sản xuất ban đầu.

Có thể nói với sự chỉ đạo trọng tâm, xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành và chính quyền địa phương thời gian qua đã mang lại những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư cho tỉnh. Kết quả này đem đến sự thay đổi lớn về diện mạo địa phương, thúc đẩy thêm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt góp phần quan trọng trong việc hoàn thành, hoàn thành vượt các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Hoàng Cường