Cập nhật: Chủ nhật 25/10/2020 - 16:40
Học viên chăn nuôi gia cầm, tăng gia sản xuất trên đảo Kim Bảng.
Học viên chăn nuôi gia cầm, tăng gia sản xuất trên đảo Kim Bảng.

Từ trên thuyền nhìn lên, đảo Kim Bảng giống như một khu du lịch sinh thái nên thơ, xanh mướt giữa hồ Núi Cốc. Điều đặc biệt là nơi đây không đón khách đến tham quan mà là “điểm dừng chân” của những người từng một thời lầm lỡ, muốn “cách ly” với xã hội đầy cám dỗ để từ bỏ ma túy, hoàn lương trở về làm lại cuộc đời.

 Từ năm 2016 đến nay, Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh đã điều trị nội trú cho trên 1.800 người; phối hợp thực hiện đào tạo nghề cho 433 học viên; dạy văn hóa cho 17 người không biết chữ; cấp chứng nhận cho 943 học viên chấp hành xong quyết định trở về địa phương... Hàng năm, Cơ sở đều tổ chức cho học viên lao động trị liệu bằng các hình thức gia công các sản phẩm làm mành, trồng rau, chăn nuôi, làm thiếp, xây dựng, gắn mi; gia công chổi; gấp túi. Bên cạnh đó, Cơ sở đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chuyên đào tạo nghề để tổ chức đào tạo các nghề: Điện dân dụng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, trồng cây, trồng rau an toàn… trung bình cho khoảng 100 học viên/năm. Các học viên sau khi kết thúc khóa học đã được cấp chứng chỉ đầy đủ.

Trước khi lên đảo, ông Dương văn Đương, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) giới thiệu nhanh: Hiện nay, đơn vị đang điều trị, cai nghiện ma túy cho 750 người được thực hiện 2 cơ sở: Trụ sở chính tại tổ 5, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) còn cơ sở 2 là các đảo nằm trên hồ Núi cốc, thuộc xã Phúc Trìu, gồm 3 khu (khu đảo Long Hội, đảo Kim Bảng và trạm trung chuyển. Cơ sở 2 có trên 80 học viên nhưng hiện chủ yếu tập trung ở đảo Kim Bảng. 

Thuyền cập bến đảo Kim Bảng, một số học viên cùng cán bộ trên đảo đã có mặt ở bến để tiếp đón chúng tôi với thái độ vui vẻ, nhiệt tình. Ở đây, trên 80 học viên, mỗi người một nơi, một cảnh ngộ, lứa tuổi khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau: Từng là “nô lệ” của ma túy một thời. Họ lên đây dù bị bắt buộc hay tự nguyện thì cũng đều chung một mục đích là cai nghiện, thoát khỏi cảnh đời nô lệ của “nàng tiên nâu”, tìm lại chính mình để làm lại cuộc đời. 

Mới 22 tuổi, Đ.V.P, ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã có 2 năm làm bạn với “cái chết trắng” và có 20 tháng điều trị cai nghiện ở trên đảo. P. kể: Ngay từ khi mới lớn, em đã lười học, không nghe lời cha mẹ mà chơi với lũ bạn xấu. Họ từng bước lôi kéo em cùng sử dụng ma túy rồi nghiện lúc nào không hay. Đến khi gia đình phát hiện thì đã muộn. Cũng may, bố mẹ, người thân động viên, em quyết tâm tự nguyện đến Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên để cai nghiện. Đến nay em đã hoàn thành đợt điều trị và chuẩn bị trở về hòa nhập với xã hội. 

Còn học viên L.N.H ở T.P Thái Nguyên có một thời hành tẩu trên những bãi vàng lậu trong và ngoài tỉnh nên anh và ma túy tìm đến nhau như một định mệnh tất yếu. Anh cũng bao lần thức tỉnh, quyết tâm cai nghiện nhưng đều không thành. Khi đến với Cơ sở, anh được điều trị từng bước theo phác đồ mà các bác sĩ đã đưa ra. Vì vậy, anh đã dần dần “bớt nhớ” heroin rồi quên hẳn. Hiện đang trong giai đoạn lao động trị liệu. Anh tâm sự: Những ngày đầu điều trị cắt cơn, người cứ như bị “giòi bò trong xương”, bứt rứt khó chịu nhưng nhờ được các cán bộ động viên, hỗ trợ nên cơn nghiện dần cũng qua. Sau khoảng 3 tháng thì tôi gần như không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Ở đây, tôi được cán bộ quan tâm, tạo điều kiện học nghề, tham gia lao động trị liệu... nên đã đoạn tuyệt với ma túy và chờ đến ngày được trở về, tái hòa nhập với cộng đồng, làm người có ích.

Học nghề, lao động trị liệu, tăng gia sản xuất là một trong biện pháp hiệu quả để cai nghiện cho các học viên. Trong ảnh:  Các học viên trên đảo Kim Bảng gia công bao bì dựng sản phẩm trà do Cơ sở hợp đồng với các danh nghiệp.

Khi được hỏi, các học viên ở đây đều cho biết, ở trên đảo tuy tách biệt với cuộc sống ngoài xã hội nhưng mọi sinh hoạt của họ không mấy khác biệt so với cuộc sống bình thường. Hằng ngày, học được đọc báo, xem ti vi, tham gia các hoạt động thể dục, văn nghệ... Sống trên đảo biệt lập với bốn bề sông nước  nhưng không có cảm giác chật chội, tù túng. Quan trọng hơn là ở đây họ không còn cơ hội tiếp xúc với ma túy. Anh em cùng động viên, giúp đỡ nhau quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời. 

Ông Đương cho biết thêm: Đối với mỗi một học viên, Cơ sở đều phải tiến hành thực hiện 5 giai đoạn gồm: Tiếp nhận, phân loại; cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề và phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Tùy từng trường hợp mà có thời gian điều trị từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với học viên sau khi hoàn thành cai nghiện, trở về cộng đồng, hằng tháng, cán bộ tư vấn của Cơ sở đều gọi điện lần lượt nắm bắt tình hình từ gia đình và học viên để thực hiện tốt phòng chống tái nghiện của học viên. 

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng Cơ sở hiện còn gặp phải một số khó khăn như: Lượng cán bộ mỏng trong khi số lượng học viên đông; cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp. Ông Phạm Văn Huyễn, Trưởng Ban quản lý đảo trăn trở: Trước đây, học viên được điều trị ở hai đảo Kim Bảng và Long Hội. Tuy nhiên, đảo Long Hội cơ sở vật chất được xây dựng từ lâu, nhất là bị ảnh hưởng của gió bão thời gian qua nên hiện đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Việc bố trí lao động trị liệu cũng như đào tạo nghề cho học viên có phần hạn chế...  

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đảo Kim Bảng trở thành điểm dừng chân và như ngôi nhà chung nên đến và cần phải đến của những người từng một thời lạc lối. Ở đây, họ có thời gian, điều kiện để nhìn ngẫm lại chính mình, vượt lên bản thân, xóa đi dĩ vãng lầm lỡ để sớm được hoàn lương trở về hòa nhập với xã hội. 

Hoàng Hải