Có dịp trở lại xã Đồng Liên sau gần 3 năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Những ngôi nhà tầng kiên cố xuất hiện nhiều hơn, trường học, trạm y tế, đường giao thông được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đồng bộ. Ông Tạ Văn Phin, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Trước kia, khi còn thuộc địa giới hành chính huyện Phú Bình, xã Đồng Liên đã được đầu tư, nâng cấp một số công trình, nhưng cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn rất nhiều. Sau khi sáp nhập về T.P Thái Nguyên, địa phương được đầu tư các công trình nhiều hơn.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, xã đã được đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 8 công trình, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đến thăm Trường Mầm non của xã mới được đầu tư xây dựng một dãy nhà 3 tầng gồm 6 phòng học và một số phòng chức năng, với nguồn kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng, chúng tôi được cô giáo Phạm Thị Thuần, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mặc dù Nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia từ mấy năm trước nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, đặc biệt các phòng chức năng không đảm bảo với yêu cầu giảng dạy, nên khi Nhà trường được đầu tư xây dựng dãy nhà lớp học cả giáo viên lẫn phụ huynh học sinh ai cũng phấn khởi.
Được sự quan tâm đầu tư của T.P Thái Nguyên, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Đồng Liên đã được mở rộng, nâng cấp, giúp nhân dân đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn trước rất nhiều. Trong ảnh: Tuyến đường trục chính của xã.
Không chỉ riêng xã Đồng Liên, theo tìm hiểu của chúng tôi, 4 đơn vị hành chính còn lại được sáp nhập về Thành phố, gồm các xã: Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng và phường Chùa Hang cũng được đầu tư nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng các công trình, dự án. Ông Vi Văn Cảnh, Chủ tịch UBND phường Chùa Hang cho hay: Từ khi thị trấn Chùa Hang (nay là phường Chùa Hang) sáp nhập về Thành phố, địa phương chúng tôi được ưu tiên đầu tư xây dựng 16 công trình (chủ yếu các công trình đường giao thông, trường học, công trình cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước…).
Với chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình cho các xã mới sáp nhập về Thành phố, ngay sau khi 5 xã, thị trấn được sáp nhập, T.P Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc họp, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân các xã, phường về nhu cầu xây dựng các công trình phúc lợi. Cùng với đó, Thành phố cử cán bộ các phòng, ban chuyên môn xuống cơ sở rà soát lại các công trình hư hỏng, xuống cấp để có phương án khắc phục hoặc sửa chữa và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, T.P Thái Nguyên đã bố trí trên 235 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 52 công trình tại các xã, phường sáp nhập. Nhờ khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu xây dựng và nguyện vọng của nhân dân cũng như giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công nên các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù thời gian qua các xã, phường được sáp nhập về Thành phố đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án nhưng trên thực tế nhu cầu đầu tư đối với các xã, phường còn rất lớn. Bởi lẽ, nhiều công trình đã được xây dựng từ rất lâu nên xuống cấp hoặc các công trình đã đạt chuẩn về nông thôn mới trước đây nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đơn cử như nhiều tuyến đường giao thông trước đây chỉ làm rộng 3m, hiện nay dân cư đông, người dân mua sắm nhiều phương tiện tham gia giao thông (đặc biệt là ô tô) nên đường sá trở lên chật chội, việc đi lại khá khó khăn. Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Đối với các xã, phường sáp nhập về Thành phố chủ yếu là các xã phát triển nông nghiệp, mặt bằng chung so với các phường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn, chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, cân đối nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư các công trình, dự án đối với các xã, phường nêu trên…